Bàn giải pháp nâng cao chất lượng lao động làm việc ở nước ngoài

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng lao động làm việc ở nước ngoài
Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu khoảng 80% lao động sẽ được đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Điều kiện để được cấp phép sẽ nâng cao, bảo đảm chỉ những doanh nghiệp (DN) thực sự đáp ứng đủ và duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu khoảng 80% lao động sẽ được đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Điều kiện để được cấp phép sẽ nâng cao, bảo đảm chỉ những doanh nghiệp (DN) thực sự đáp ứng đủ và duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

    Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

    Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các cơ quan liên quan và đại điện của hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

    Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, trong những năm gần đây xuất khẩu lao động hằng năm đều vượt con số hơn 100.000 lao động và luôn tăng khoảng 10%. Trong 3 năm, từ 2014-2016 đã có gần 350.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng trong năm 2016 là trên 126.000 lao động. Hằng năm tiền gửi về nước từ hoạt động này khoảng từ 1,6 đến 2 tỷ USD.

    Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 277 DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Phần lớn các DN sau khi được cấp giấy phép luôn coi trọng công tác tuyển chọn, quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhiều DN đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài: Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 20 DN đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

    Đánh giá về chất lượng nguồn lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, nguồn lao động vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp chất lượng thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Thực tế, nhận thức và chất lượng của người lao động chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn khi học tập trung bồi dưỡng kiến thức trước khi đi làm việc.

    Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục. Vẫn tồn tại tình trạng DN được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng, tư vấn, tuyển chọn lao động mà “khoán trắng” cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc mà không có sự quản lý chặt chẽ.

    Một khó khăn nữa là sự thay đổi trong chính sách tiếp nhận, cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động nước ngoài của các quốc gia tiếp nhận lao động khiến công tác dự báo số lượng, bảo vệ người lao động gặp vướng mắc.

Mục tiêu 80% lao động được đào tạo

    Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, hằng năm đưa đi được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.

    Để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những DN thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

    Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm, hết thời hạn đó mà DN không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến DN bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển.

    Để minh bạch hóa các thủ tục triển khai, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai áp dụng việc đăng ký hợp đồng trực tuyến từ ngày 1/1/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các DN được lựa chọn song song 2 hình thức, từ 1/7/2017 toàn bộ hoạt động đăng ký hợp đồng cung ứng sẽ được thực hiện trực tuyến, kết quả được thông báo trước trên mạng và gửi trực tiếp cho DN.

    Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các DN dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các DN hoạt động kém hiệu quả. Trong năm 2017, các cuộc thanh tra chuyên đề sẽ tập trung vào việc tổ chức bộ máy hoạt động của DN, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và công tác thu phí.
    Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, Bộ LĐTB&XH sẽ kiên quyết xử lý các DN tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các DN không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động.
 

Tác giả bài viết: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo Chính phủ