“Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”: Tầm nhìn vượt thời đại

“Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”: Tầm nhìn vượt thời đại
Giáo dục toàn diện, coi trọng đạo đức, thúc đẩy tự học, phát triển năng lực sẵn có của người học, ý thức nêu gương của người thầy
Giáo dục toàn diện, coi trọng đạo đức, thúc đẩy tự học, phát triển năng lực sẵn có của người học, ý thức nêu gương của người thầy, ... là những tư tưởng, tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được các nhà khoa học nhấn mạnh tại Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bộ GDĐT phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng 19/5, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).


Các đại biểu tham dự hội thảo tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phòng truyền thống Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cụ thể hóa lời dạy của Bác Hồ vào giáo dục

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bác Hồ coi giáo dục là một kế sách lâu dài, là đòn bẩy cho sự văn minh, giàu mạnh của dân tộc. Bác luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi "Giáo dục là cốt sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Người luôn chỉ đạo Đảng và Nhà nước ta về sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bác giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đối với công tác giáo dục. Trong những năm qua, ngành giáo dục nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục. Đó cũng chính là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa.

Theo Thứ trưởng, Hội thảo là dịp khắc ghi tâm huyết, ân tình Bác dành cho ngành Giáo dục, tiếp tục khẳng định giá trị, từ đó cụ thể hóa những lời dạy của Bác vào công tác giáo dục, đào tạo. Thông qua đó, mỗi giáo viên ý thức giáo dục thế hệ trẻ, không chỉ về tri thức tiên tiến của thời đại mà cả đạo đức cách mạng.

Đồng thời nêu cao ý thức và trách nhiệm cho học sinh, sinh viên học tập là phải học theo phương pháp của Bác Hồ: Học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo.

“Chuẩn đầu ra” của giáo dục trước hết là “người tốt”

Trong sự nghiệp vinh quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Giáo dục là cốt sách hàng đầu”, “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Người chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ, nhưng luôn nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục”, tức là “chuẩn đầu ra” của giáo dục trước hết phải là những “người tốt”. 

Theo PGS. TS Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đây là quan điểm hết sức sâu sắc bởi không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người tốt và là người tốt thì tất yếu sẽ có ích cho xã hội. 

PGS nhấn mạnh, quan điểm coi trọng việc giáo dục đạo đức của Hồ Chí Minh tỏ rõ tính minh triết trong thời đại cách mạng 4.0. Khi con người đã sáng chế ra trí tuệ nhân tạo, các rôbốt thông minh, các máy tính siêu thông minh thì sự phân biệt giữa người và máy chỉ còn là tình cảm và đạo đức.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức sẽ đánh thức phần “thiện lương” trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống và cách hành xử hợp đạo lý để thành người có ích cho xã hội và bản thân họ cũng có được hạnh phúc đích thực.

Là người rất am hiểu tình hình thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại. Vì thế, Người không nhất loạt “tụng ca” theo chức danh nhà giáo mà nói rất cụ thể: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” . 

Ngược lại, những người chưa gương mẫu sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh dự người thầy và người học. Vì thế, đã làm thầy thì phải xứng danh người thầy, phải biết giữ gìn tiếng thơm.

Phát triển năng lực sẵn có của người học

Tiếp cận từ nhiều góc độ, phương pháp giáo dục cốt lõi mà nhiều báo cáo nhấn mạnh tại Hội thảo là quan điểm tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháp dạy cách tư duy, phát triển óc sáng tạo cho người học hiện đang là nguyên tắc trọng yếu của nền giáo dục hiện đại. Giáo dục không phải là dạy học thuộc lòng tri thức mà là huấn luyện khả năng tư duy bởi đó là năng lực riêng có của con người, là thước đo của “trình độ người”.

Người cũng luôn nhấn mạnh giáo dục phải dạy cho người học cách tự học, học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt”, từ cách tìm tài liệu, cách nghĩ đến cách thực hiện một quy trình học tập mà không có thầy giáo. Trong thời đại thông tin ngày nay, tự học là yêu cầu bắt buộc.

“Điều đang là xu thế của thế giới và mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam thực chất đã được Hồ Chí Minh nhấn mạnh và thực hiện cách đây gần thế kỷ bởi chính Người đã trở thành danh nhân văn hóa kiệt xuất bằng con đường tự học” - PGS. TS Trần Thị Minh Tuyết khẳng định. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, các thầy, cô giáo cần tích cực vận dụng lời dạy của Bác, phát huy tiềm năng của mỗi người học. Bởi, người thầy tuyệt vời nhất chính là người thầy truyền cho người học lòng đam mê tri thức và phương pháp tự học để họ tự tiếp cận tri thức trong suốt cuộc đời.  


Nguồn tin: Bộ Giáo dục & Đào tạo