Kết nối nhà trường và doanh nghiệp để tăng cơ hội việc làm

Ngày 23/8/2017 tại Hà Nội, Báo Tuổi trẻ đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với nội dung “Ngành nghề nào dễ kiếm việc làm?” đối với nhóm ngành Sức khỏe – Xã hội – Công nghệ.
    Ngày 23/8/2017 tại Hà Nội, Báo Tuổi trẻ đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với nội dung “Ngành nghề nào dễ kiếm việc làm?” đối với nhóm ngành Sức khỏe – Xã hội – Công nghệ. Tham dự buổi giao lưu có PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy và ThS Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam. Tại buổi giao lưu đã có 37 câu hỏi của độc giả đã được các chuyên gia trả lời. PGS.TS Cao Văn Sâm đã dành nhiều thời gian chia sẻ một số nội dung quan trọng liên quan đến chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn với thị trường lao động và việc làm.
 
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng phóng viên Báo Tuổi trẻ tư vấn trực tuyến về cơ hội việc làm khi học nghề
 
    Tại buổi giao lưu, Phó Tổng Cục trưởng cho biết, Luật giáo dục nghề nghiệp có quy định Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo theo hướng phát triển kỹ năng và hình thành năng lực thực hiện. Vì vậy các trường trung cấp, cao đẳng phải chuyển từ đào tạo lý thuyết, hàn lâm sang đào tạo kỹ năng, năng lực thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bộ LĐTB&XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, và ban hành nhiều thông tư liên quan đến tổ chức đào tạo theo chuẩn đầu ra. Nhà trường tự chủ đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun, tích lũy tín chỉ, hoặc vừa tích lũy mô –đun, tích lũy tín chỉ và sử dụng môn học để tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học toàn phần hoặc học một phần theo nhu cầu việc làm mà doanh nghiệp và thị trường cần.
    Về kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực, đây là vấn đề hết sức quan trọng và luôn được quan tâm trong suốt thời gian qua; được xác định là vấn đề sống còn của các trường trong tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm và tạo việc làm bền vững cho người học. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào xây dựng chương trình, thi, kiểm tra và đánh giá người học. Việc kết hợp này giúp cho chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
 

Nhà báo Nguyễn Văn Hải đại diện báo Tuổi Trẻ (giữa) tặng hoa các khách mời tham gia tư vấn
 
 
    Phó Tổng Cục trưởng cũng nhấn mạnh thêm, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
           Chia sẻ với các em học sinh, sinh viên trước việc lựa chọn ngành nghề và trình độ đào tạo, Phó Tổng Cục trưởng cho rằng các em cần thể hiện sự chủ động, độc lập, quyết đoán để lựa chọn ngành nghề phù hợp; căn cứ vào điều kiện, năng lực, sở trường của cá nhân mình, và hơn nữa cần nắm chắc thông tin về ngành nghề và thị trường lao động trước khi quyết định theo học một ngành, nghề nào đó.


 
 

Nguồn tin: tcdn.gov.vn