TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá cho dân tộc trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng dân chủ văn minh. Trong di sản này những người làm công tác giáo dục được lĩnh hội những lời dạy sâu sắc của Bác về phát triển con người và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ
BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU
                                                                          
          Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá cho dân tộc trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng dân chủ văn minh. Trong di sản này những người làm công tác giáo dục được lĩnh hội những lời dạy sâu sắc của Bác về phát triển con người và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
          Các trường chuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Kênh này cùng với các kênh khác đào tạo lớp người ưu tú cho cộng đồng cho đất nước.
Dưới đây xin trình bày một số thu hoạch về những nội dung cơ bản đề ra trong tư tưởng của Bác Hồ về phát triển con người và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
 
          I/. Con người là trung tâm của quá trình phát triển
         
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người được biểu hiện thật đa dạng và vô cùng phong phú. Nó thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan tâm ân cần của Người đến với mỗi con người. Tất cả đều toát lên tình thương yêu vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin tuyệt đối của Hồ Chí Minh đối với con người.
Nhưng đồng thời Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi rất cao ở con người. Vì thế, trong khi đặt niềm tin vào con người Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách phát huy tiềm năng trí tuệ và phẩm chất đạo đức của con người. Hai mặt này đã đặt con người vừa ở vị trí mục tiêu của sự nghiệp cách mạng vừa ở vị trí chủ thể của cách mạng. Cho nên nói đến Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, cần phải thấy con người ở đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng.
Từ trước đến nay, vấn đề con người thường có nhiều sự bàn luận, nhiều kiến giải. Những sự bàn luận kiến giải này thường xoay quanh chủ đề cốt cách, bản chất của con người, vị trí của nó trong quá trình sinh tồn và phát triển.
Kiến giải về con người thật đa dạng và phong phú. Mỗi kiến giải thường bắt nguồn từ một hệ quy chiếu giá trị nhất định, thể hiện quan điểm triết học tâm lý học, sinh học xã hội học, chính trị học, kinh tế học, văn hóa học…
Có quan điểm theo xu hướng thần bí hóa về sự ra đời và cốt cách con người, coi con người sinh thành và phát triển từ sự chi phối quyết định có sẵn bởi một lực lượng nằm bên ngoài thế giới thực tại. Có quan điểm thông tục lại nhấn mạnh "con người bản năng lấy các đặc trưng sinh vật để xem xét bản chất của con người". Có quan điểm nhấn mạnh về "con người kỹ thuật", lấy tiêu chí phát triển từ công cụ sản xuất để xét đoán bản chất con người. Có quan điểm nhấn mạnh về con người chính trị lấy tiêu chí phát triển từ đấu tranh giai cấp để lý giải cốt cách con người...
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin xem xét con người là sinh vật có tính xã hội: Cốt cách - bản chất của con người không phải là cái trừu tượng cô lập ở từng cá nhân; Trong sự hiện hiện của mình, con người là tổng hòa của tất cả các mối quan hệ xã hội.
Con người sinh thành, trưởng thành vừa từ những đặc điểm sinh học, vừa bởi ảnh hưởng quyết định của văn hóa, tương tác xã hội. Khả năng đối xử có tính người đối với thế giới và đối với những người khác, khả năng lao động giao tiếp với những tình cảm đạo đức và những xúc cảm thẩm mỹ được hình thành phát triển trong mỗi con người là do sự tham gia của con người vào hệ thống các quan hệ xã hội, vào quá trình hoạt động lao động nắm vững và tái tạo nền văn hóa xã hội.
Triết học mác-xít đặt con người vào sự phát triển biện chứng: Con người vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh của quá trình phát triển; Mục tiêu của quá trình phát triển xã hội là hướng vào việc đáp ứng nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người xã hội nói chung, mỗi con người cá thể nói riêng; Quá trình phát triển đó đạt tới sự tăng trưởng và ở động thái bền vững lại do sức mạnh của chính con người, của tập thể những con người đó trong đời sống cộng đồng. Mỗi con người không thụ động hưởng sự phát triển mà là chủ thể của quá trình phát triển, là động lực của quá trình phát triển.
Những quan điểm, chính sách về con người chỉ nghiêng về một chiều hoặc chỉ coi con người là mục tiêu của sự phát triển, hoặc chỉ coi con người là phương tiện của sự phát triển đều làm tổn hại cho từng cá nhân con người, cho cộng đồng, cho đất nước.
Phát triển con người trên cơ sở không ngừng đáp ứng hài hòa các nhu cầu của con người về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đồng thời thường xuyên nâng cao năng lực của con người, mở rộng cơ hội lựa chọn cho con người để con người có cuộc sống sáng tạo trong quá trình phát triển xã hội, đó chính là lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Thấm nhuần ý tưởng cao đẹp này và kết tinh trong nhân cách của mình truyền thống nhân nghĩa nhân ái của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời của mình đã có những lời dạy những ý kiến, những việc làm thật sâu sắc về con người. Ngay lúc sinh thời, những lời dạy của Người đã võ trang cho dân tộc đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho con người. Ngày nay, lời dạy đó của Bác đang giúp chúng ta sống trong thế kỷ mới hiện thực hoá chiến lược con người mới, đưa đất nước đi vào sự hội nhâp thắng lợi.
 
          II/. Đầu tiên là công việc đối với con người
 
Suốt đời Hồ Chí Minh đã làm việc, đã đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, của con người. Hồ Chí Minh chỉ có một lý tưởng mà Người diễn đạt là sự ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho đất nước mình được hoàn toàn độc lập, dân tộc mình được hoàn toàn tự do, đồng bào mình ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Người tâm niệm và truyền điều tâm niệm cho các đồng chí của mình: "Đầu tiên là công việc đối với con người”:
Người đã viết lời trên đây trong Di chúc.
Điều tâm niệm trên có tính nhất quán trong suốt cuộc đời của Hồ Chí Minh. Từ áng văn bất hủ Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tuyên bố trước thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề con người đã được khắc họa sâu sắc trong nội dung tuyên ngôn: Chế độ mới đảm bảo cho người dân Việt Nam quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền. tự do.
Với Hồ Chí Minh, độc lập của dân tộc phải gắn liền với tự do hạnh phúc cho con người ở những hưởng thụ cụ thể: ăn, mặc, ở, học tập, việc làm... Người nhấn mạnh ý tưởng này ở thư gửi các đồng chí đồng nghiệp của mình trong guồng máy chính quyền mới (10. 1945):
“Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc...Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hai đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Ý tưởng cao đẹp này còn được Hồ Chí Minh nhắc lại trong bài phát biểu trong cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Người khẳng định:
"Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập, chúng ta đấu tranh được rồi và đang lo củng cố…
Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ.
Chúng ta phải thực hiện ngay:
1 - Làm cho dân có ăn.
2 - Làm cho dân có mặc.
3 - Làm cho dân có chỗ ở.
4 - Làm cho dân có học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó".
Đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại thực dân Pháp hung bạo. Trong những ngày chiến đấu gian khổ, Hồ Chí Minh kiên trì mục tiêu đã vạch ra, Người xác định nhiệm vụ nội chính của Chính phủ kháng chiến:
“Sau hết chương trình nội chính của Chính phủ và của quân dân ta chỉ có ba điều mà thôi:
a - Tăng gia sản xuất để/àm cho dân ai cũng đủ mặc đủ ăn.
b - Mở mang giáo dục để cho ai nấy đều biết đọc biết viết.
          c - Thực hành dân chủ để làm cho dân ta ai cũng được hưởng quyền dân chủ                tự do”.
 
Quan tâm đến nhân dân - con người, Hồ Chí Minh chú ý từ những việc nhỏ trở đi: Năm 1948, Hồ Chí Minh  nêu ra "Mười hai điều răn" nhắc nhở cán bộ, bộ đội:      6 điều không nên làm và 6 điều nên làm trong quan hệ  với nhân dân.
Nội dung 12 điều răn thể hiện lòng tôn quí nhân dân, tôn quí con người, mang ý nghĩa "thân dân" sâu sắc.
(Những điều không nên: Làm thiệt hại ruộng vườn  hoa màu; Mượn đồ đạc; Xúc phạm uy tín; Nói vô lễ... Những điều nên: Giúp đỡ công việc; Dạy học; Kể chuyện kháng chiến; Chống mê tín...).
 Người khẳng định trong phần mở đầu cửa văn bản này:  Nước lấy dân làm gốc ' và kết luận bằng những lời thơ:
    "Quân tốt dân tốt.
    Muôn sự đều nên.
    Gốc có  vững, cây mới bền.
   Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".
Uớc mong của Hồ Chí Minh là khối thống nhất toàn dân trong việc chăm lo hạnh phúc của con người.
Ở Hồ Chí Minh lòng yêu thương nhân dân – con người, là sự tôn trọng, kính trọng nhân dân - con người, là niềm tin vào nhân dân - con người. Cuộc cách mạng mà Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người tiến hành  để giải phóng nhân dân - con người, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân - con người, không phải để ban ơn cho nhân dân - con người, mà vì sự tôn quí nhân dân - con người.
Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Nhân nghĩa là nhân dân.
Trong bầu trời. không quí gì bằng nhân dân.
Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
Trong xã hội không có gì vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân"
Hồ Chí Minh thường căn dặn các đồng chí của mình  luôn luôn ý thức rằng: "Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương cho đó là mình chưa làm tròn nhiệm vụ”
 Người nhấn mạnh:
"Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân".
- Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi.
- Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi.
- Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi.
- Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
                             (Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói 13/6/1955)
          Trong sự quan tâm chăm lo cho nhân dân – con người, Hồ Chí Minh chú ý tới mọi tầng lớp người trong xã hội. Tuy nhiên, Người đặc biệt lưu tâm đến những người có công với đất nước đã góp phần xương máu giải phóng, bảo vệ đất nước. Người đã dành tình cảm yêu thương nồng thắm đối với trẻ em, với thanh niên, với nhân dân lao động, tôn trọng người già, quí mến phụ nữ, trân trọng đối với đồng bào các dân tộc, thương xót những người lầm đường lạc lối, thức dậy ở họ sự hoàn lương trở lại con đường chính thiện.
          Thật là xúc động khi đọc Di chúc của Người. Những tình cảm nhân ái bao la đối với đồng bào đồng chí được Người dặn dò lại chu đáo tha thiết như sau:
          "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị các chế độ phong kiên và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm. hăng hái cần cù. Từ ngày có Đảng nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng.
Đảng cần phải có kê hoạch thật tốt để phát triển kinh tê văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Người nhắc nhở Đảng và Chính phủ mọi người phải tìm mọi cách giúp đỡ cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, những người đã dũng cảm hy sinh xương máu... có nơi ăn chốn ở yên ổn, mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ dần dần tự lực cánh sinh".
Người yêu cầu dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi khắc sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân.
Cũng ở trong Di chúc Người căn dặn phải làm nhiều hơn trong cuộc cách mạng đem quyền bình đẳng cho phụ nữ miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân, phát triển công tác vệ sinh y tế, sửa đổi chế độ giáo dục sao cho hợp với hoàn cảnh của nhân dân, có kế hoạch đào tạo tiếp các chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc.
Lòng yêu thương nhân dân - con người ở Hồ Chí Minh thật sâu sắc vô vàn. Người chung mối lo với nhân dân, chịu đựng cùng nhân dân những nỗi thống khổ. Những ngày cách mạng mới thành công, nhân dân còn đang chịu đựng sự khổ cực của nạn đói, vị Chủ tịch nước, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945) đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới, trong đó có các việc chống giặc đói, giặc dốt, tổ chức đời sống mới... Ít ngày sau Bác đã gửi thư cho đồng bào cả nước hô hào việc tương trợ lẫn nhau.
Người viết:
"Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói, kế đó lại bị nước lụt. Nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn mà nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa. Mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc đồng bào cũng sẵn lòng cứu khổ. Cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. . ."
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại:
"Mỗi tháng ba lần đến bữa không ăn, Bác tới lấy phần gạo của mình tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo thì Tiêu Văn (Một viên tướng tàu) mời Bác đến dự chiêu đãi. Khi Bác về anh em báo cáo đã đem gom phần gạo của Bác rồi, Bác vẫn quyết đinh nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau".
Tình cảm của Bác với dân càng tha thiết trong những giờ phút cuối cùng của Người. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại:
"Dạo Bác ốm nặng. Năm đó nước sông Hồng lên rất to. Tôi có đề xuất ý định đưa Bác trở lại khu căn cứ nghỉ ở trên Hòa Bình. Ở sau nhà chúng tôi đã bố trí xe lội nước các loại to nhỏ sẵn sàng. Bác nhắm mắt lại không nói gì. Tôi ngồi bên cạnh cứ cầm lấy mấy ngón tay của Bác xoa vuốt. Vuốt đến đâu các ngón tay duỗi ra đến đó. Một lúc sau anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đi vào. Bác mở mắt nói: "Các chú cố gắng không để vỡ đê, còn Bác không bỏ dân đâu. Hóa ra Bác nghe thấy điều đó, không hài lòng nhưng đợi đến khi anh Tô vào, Bác mới nói".
Rồi một lần khác. Bác mở mắt ra và nói:
"Trong phòng có các cô gái sao không có hoa? Trời ! Chúng tôi nhìn nhau. Chính vào những lúc bị những cơn đau tim, người bệnh thường chỉ tập trung suy nghĩ về bệnh tình, nhưng ở đây Bác lại quan tâm đến các cô y tá, bác sĩ đang phục vụ Bác. Tôi bảo anh em đi hái một bó hoa đẹp cắm vào lọ đặt trên một chiếc bàn thấp kê vừa tầm để khi Bác mở mắt ra là có thể nhìn thấy. Bác mở mắt và nói với chúng tôi là Bác bảo lấy hoa để đưa tặng cho mỗi cô một bông hoa hộ Bác. Ai nấy đều cảm động, nhất là các cô, sau này nhiều người đã giữ ép cánh hoa lại để làm kỷ niệm món quà của Bác”.
Hồ Chí Minh coi công việc với con người không đơn giản dễ dàng. Người khẳng định trong Di chúc:
Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Quan điểm xã hội hoá các hoạt động chăm lo cho hạnh phúc con người, lấy sức mạnh của cộng đồng phục vụ cho chính mục tiêu phát triển cộng đồng ngày nay trở thành một ý tưởng lớn của thời đại. Nhiều nước phát triển và đang phát triển có chính sách tiến bộ về con người đều coi việc xã hội hoá các hoạt động chăm lo chất lượng cuộc sống của nhân dân là công việc ưu tiên trong đường lối chính trị - xã hội của mình. Điều thật tự hào là ý tưởng này đã được Hồ Chí Minh thắp sáng lên trong đường lối chính trị - xã hội ở đất nước ta ngay từ khi cách mạng mới thành công. Đường lối này ngày nay được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu dân chủ hoá đời sống xã hội.
          III/. "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
                   Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"
          Nhằm thực hiện được ý tưởng cao đẹp giải phóng con người, đem lại tự do hạnh phúc cho con người thì phải xây dựng kiến thiết được xã hội không còn chế độ người bóc lột người. Đó là chế độ xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình trên bước đường cứu nước đã nhận thức được và có quyết tâm hiện thực trên quê hương của mình. Chế độ xã hội chủ nghĩa không phải do lực lượng nào ban phát cho, nó là sản phẩm của chính con người - con người mang tố chất xã hội chủ nghĩa.
          Hồ Chí Minh đã chỉ ra:
                   "Muốn có xã hội chủ nghĩa phải có người xã hội chủ nghĩa
                   Muốn có người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa"
                                                                                                (IX, 296)
          Người coi việc ươm trồng được những con người xã hội chủ nghĩa, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc trọng đại của đất nước của dân tộc, của Đảng.
          Ngày 13/9/1958 nói chuyện với Hội nghị cán bộ giáo dục toàn quốc trong bối cảnh miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà Người đã nêu ra thông điệp:
                   "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
                    Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"
                                                           (VIII, 222)
          Thông điệp của Hồ Chí Minh có ý nghĩa vĩnh hằng trong đời sống kinh tế văn hoá của đất nước, của dân tộc, nó mang một ý nghĩa cao cả sâu sắc. Ở thông điệp này Hồ Chí Minh đã dùng một cách diễn đạt của người xưa để chuyển tải một nội dung quan trọng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
          Trước công nguyên bảy thế kỷ nhà chính trị thời Tiên Tần - Quản Trọng (730 - 645 TCN) đã phát biểu ý sau trong sách Quản tử của ông.
                   Trù tính việc một năm hãy có kế trồng lúa
                   Trù tính việc mười năm hãy có kế trồng cây
                   Trù tính việc trăm năm hãy có kế trồng người
(Nhất niên chi kế mạc nhi thụ cốc
Thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc
Chung thân chi kế mạc nhi thụ nhân)
          Cần lưu ý là sự thụ nhân - trồng người - mà Quản Trọng phát biểu được nêu trong chương "Mục dân" (chăn dân). Ông khuyên nhà cầm quyền phải có nhiệm vụ chăn dắt nhân dân, săn sóc nhân dân như chăn dắt, chăm sóc một loại công cụ phương tiện phục vụ cho ngôi báu của Tề Hoàn Công và tầng lớp quý tộc. Thật ra thì Quản Trọng cũng có một vài ý tưởng tiến bộ về nhân dân - về con người. Ông từng nói:
                   "Dân ghét lo lắng nhọc nhằn thì ta làm cho họ thảnh thơi vui vẻ.
                    Dân nghèo hèn thì ta làm cho họ giàu
                    Dân sợ nguy nan thì ta làm cho họ sống an toàn
                    Dân ghét tuyệt diệt thì ta làm cho họ sinh trường"
          Ông khẳng định:
                   "Đạo cai trị đất nước trước hết phải làm cho dân giàu"
          Tuy nhiên từ lập trường của người thống trị nhân dân, ý tưởng chăn dân, trồng người của ông là nhằm phục vụ cho nhà cầm quyền thực hiện được chiến lược bá đạo của mình. Ông mong dân giàu là để nhà cầm quyền dễ sai khiến. Ông lo dân nghèo thì nhà cầm quyền khó cai trị.
          Ông nói:       Dân phú tắc dĩ sử dã
                             Dân bần tắc nan trị dã
                                      (Dân giàu thì sai khiến dễ dàng
                                      Dân nghèo thì khó cai trị)
          Hồ Chí Minh khác Quản Trọng ở chỗ Người đề cập đến "Việc trồng người" là vì lợi ích của nhân dân, của chính con người, vì thắng lợi chủ nghĩa xã hội mà Người thực hành để đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.
          Sau khi nêu ra thông điệp này Người đã có lời nhắn nhủ tha thiết sau đây với cán bộ giáo dục, cũng là lời nhắn nhủ với toàn dân tộc:
          "Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà
                   Mong mọi người cố gắng làm tròn nhiệm vụ"
                                                          (VIII, 222)
          Trong chiến lược "Trồng người" mà Hồ Chí Minh mang hết tâm lực thực hiện, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ của Đảng, của Chính quyền mới. Hồ Chí Minh coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đó là những người đem chính sách của Đảng của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Người khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"                                             
                                                          (V, 240).
          Với quan điểm coi con người là vốn qui nhất, Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công tức là cõ lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn".                                                      
                                                          (VI, 46).
          Đầu tư cho sự nghiệp trồng người, đầu tư cho công tác cán bộ là sự đầu tư sáng suốt nhất, có lãi nhất. Đó là một tư tưởng lớn của kinh tế học đào tạo ngày nay. Hồ Chí Minh có một quan điểm hết sức rõ ràng về vấn đề này khi hơn 60 năm trước đây, năm 1947 Người khẳng định:
          "Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong huấn luyện"                                                          (V, 273).
          Trong vấn đề cán bộ, Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng cho đất nước đội ngũ tri thức cách mạng. Người nhấn mạnh: "Tri thức là vốn liếng quí báu của dân tộc. ở nước ta khác như thế, ở Việt Nam càng như thế".
                                                          (V, 156).
          Bằng uy tín và tấm lòng của mình Hồ Chí Minh đã thức tỉnh dìu dắt một lớp đông đảo những người trí thức cũ tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến làm cho họ phát huy tài năng có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người có nhận định: "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn hơn nhiều".                                      (V, 235).
          Một chiến lược trồng người, chiến lược giáo dục, chiến lược cán bộ đưa đất nước đến sự phát triển bền vững và toàn diện bao giờ cũng phải chứa đựng trong nó một kế hoạch hiện thực về phát hiện bồi dưỡng, sử dụng nhân tài của quốc gia.
          Vấn đề bồi dưỡng nhân tài từng được các triều đại Việt Nam ở những giai đoạn tiến bộ coi là công việc hàng đấu của đất nước.
          Lê Thánh Tông (1442 - 1497) vị minh quân triều Lê qua danh thần Thân Nhân Trung (1418 - 1499) đã cho khắc vào bia Quốc Tử Giám cương lĩnh của đất nước.
                   "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia
                   Nguyên khí mạnh thì thế nước cường
                   Nguyên khí suy thì thế nước tàn"
          Vua Quang Trung (1753 - 1792) người anh hùng áo vải đất Tây Sơn sau khi đánh bại cuộc xâm lược của quân Thanh lên ngôi Hoàng đế qua danh sĩ Ngô Thời Nhậm (1746 - 1803) nhà chính trị ngoại giao tài năng đã ra tuyên ngôn:
                   "Xây dựng đất nước lấy việc khuyến học làm đầu
                    Tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc"
          Kết tinh các ý tưởng tinh hoa của tiền nhân, Hồ Chí Minh sau khi lãnh đạo nhân dân giành được độc lập đã quan tâm vấn đề chọn người tài để kiến thiết quốc gia. Người đề ra bốn việc:
                   "Kiến thiết ngoại giao
                    Kiến thiết kinh tế
                    Kiến thiết quân sự
                    Kiến thiết giáo dục"
và Người khẳng định: "Kiến thiết cần có nhân tài", Người cho rằng nếu "Khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều". (IV, 99).
          Vị Chủ tịch nước tự nhận khuyết điểm của Chính phủ để người tài đức chưa có cơ hội xuất thân, Người đề nghị với quốc dân:
          "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm ấy tôi xin thừa nhận.
          Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".           
                                                                   (IV, 451).
          Cùng với việc phát động nhân dân tiến cử người tài đức, Hồ Chí Minh còn quan tâm việc ươm trồng nhân tài cách mạng, nhân tài khoa học cho đất nước.
          Tháng 7/1926 Người đã cùng với đồng chí Bôrôdin đại diện Quốc tế cộng sản tại Quảng Châu tổ chức gửi thanh niên ưu tú Việt Nam đến quê hương Lênin đào tạo các em trở thành những nhà cách mạng Việt Nam.
          Tháng 7/1951 từ chiến khu Việt Bắc cùng Trung ương Đảng Người tuyển chọn cán bộ khoa học có triển vọng gửi sang Liên Xô đào tạo ở các ngành mũi nhọn đón đầu các nhiệm vụ đặt ra của kháng chiến kiến quốc.
          Những cán bộ được Bác Hồ chọn đi học đợt đầu này về sau đều trở thành những nhà khoa học có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một số là đầu đàn các ngành khoa học của đất nước như giáo sư Lê Duy Thước, nhà kiến trúc Ngô Huy Quỳnh, bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ... Trong sổ tay của họ đã ghi đầy đủ lời căn dặn ân cần chu đáo của Bác trước lúc lên đường. Ngày nay đọc lại lời dạy của Bác đối với họ, chúng ta vẫn thấy tính thời sự nóng hổi cho nội dung chiến lược giáo dục bồi dưỡng nhân tài của nước ta.
          Những lời dạy này luôn luôn là hành trang cho thế hệ trẻ trên con đường rèn luyện nhân cách tài năng. Nó giúp chúng ta hiểu rõ thêm tầm nhìn lớn lao và sự tỷ mỉ sâu sắc của lãnh tụ vĩ đại trong công cuộc bồi dưỡng nhân tài, trong chiến lược trồng người cho đất nước.
          Tóm tắt những lời dặn của Bác Hồ ngày 18/7/1951 cho đoàn cán bộ khoa học đầu tiên của Việt Nam sang Liên Xô học tập.
          (I)/ Thái độ học tập
1. Vì ai mà học? Vì nhân dân, giai cấp, vì Đảng.
2. Phải chịu trách nhiệm kết quả học tập của mình trước Đảng, giai cấp, nhân dân.
3. Phụng sự nhân dân nghĩa là làm cho dân cơm no áo ấm sức khoẻ.
          (II)/ Cách học
4. Học phải gắn liền với hành. Phải học và nghĩ cách áp dụng vào hoàn cảnh nước nhà. Tuỳ hoàn cảnh mà học, mà dùng, nhằm mục đích phụng sự nhân dân.
5. Tránh lối học gạo, nhằm những môn nhất định mà học cho tinh thông
6. Phải gắn liền việc học chuyên môn với việc nâng cao trình độ lý luận cách mạng.
7. Phải tin tưởng và quyết tâm học tập
          (III)/ Tư cách
8. Phải khiêm tốn, chớ eo xách, ganh đua chơi bời, hưởng thụ đúng mục, từ chối những cái thừa.
9. Với anh em bên ngoài, nhân dân nước bạn phải thành thật thân ái và đoàn kết.
10. Phải đề phòng hủ hoá, sung sướng đến quên khổ sở ở nhà, sướng quen lúc về nước không chịu được khổ.
11. Lúc ăn lúc chơi lúc học phải luôn luôn nhớ đến toàn Đảng, toàn dân đang chiến đấu gian khổ.
12. Phải giữ vững đoàn kết trong đoàn bằng phê bình, giáo dục và xây dựng lẫn nhau. Nên nhớ một người trong đoàn làm bậy là cả đoàn mang tiếng, toàn Đảng và toàn dân tộc mang tiếng.
13. Phải tập thể giải quyết, đề nghị hoặc yêu cầu gì phải do người đại diện của đoàn trong nhóm.
14. Phải cố gắng học tập, trau dồi tư cách và đạo đức cách mạng để khỏi phụ lòng nuôi nấng dạy dỗ của Đảng bạn, Đảng ta, của nhân dân và anh em ở nhà.
15. Khi qua nước bạn, phải coi như ở nước nhà, tích cực tham gia công tác ở đó.
          (IV)/ Nguyên tắc hỏi, trả lời
16. Điều gì cần biết để học, để làm thì hỏi mà trả lời phải luôn luôn nhớ cương vị mình là cán bộ đi học.
17. Qua Liên Xô phải triệt để giữ nguyên tắt kỷ luật và bí mật. Đề phòng vì nhiệt tình, tình cảm gia đình chủ nghĩa mà hỏi, nói lung lung...
          (V)/ Đừng quên ta đang kháng chiến gian khổ
18. Và bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ăn nói cử chỉ hành động... phải tiêu biểu, phản ánh được dân tộc đang kháng chiến gian khổ, không phản ánh được điều đó là quên kháng chiến...
(Mãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ - NXB Lao động Hà Nội 1999 - Hồi ký của Phạm Như Vưu, tr 83 - 89)
 
 
          V/. Con người việt nam mới - con người mang phẩm cách:
          trung - hiếu, tình - nghĩa, nhân - trí - dũng, cần - kiệm - liêm - chính
          Chiến lược con người Việt Nam mới mà Hồ Chí Minh vạch ra đặt trên nền tảng hệ giá trị đạo làm người. Hệ giá trị này kết tinh đạo lý của dân tộc và cập nhật các quan điểm nhân cách của thời đại mới.
          Hồ Chí Minh xác định con người dù ở tầng lớp nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động trong xã hội đều chia làm ba mặt quan hệ: "Đối với bản thân, đối với người khác, đối với công việc".
          Từ rất sớm, trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) lúc đất nước còn đang chìm đắm trong chính sách ngu dân của thực dân Pháp, Người đã đưa một luồng nhận thức mới về nhân cách người Việt Nam của thời đại mới theo ba mặt trên. Người viết:
          Tư cách người cách mệnh:
                   "Tự mình phải
                    Cần kiệm
                    Hoà mà không tư
                    Cả quyết sửa lỗi mình
                    Cẩn thận mà không nhút nhát
          Hay hỏi
                   Nhẫn nại (chịu khó)
                   Hay nghiên cứu xem xét
                   Vị công vong tư
                   Không hiếu danh, không kiêu ngạo
                   Nói thì phải làm
                   Giữ chủ nghĩa cho vững
          Hy sinh
                   Ít lòng tham muốn về vật chất
                             Bí mật.
          Đối với người phải:
                   Với từng người thì khoan thứ
                   Với đoàn thể thì nghiêm
                   Có lòng bày vẽ cho người
                   Trực mà không táo bạo
                   Hay xem xét người.
          Làm việc phải:
                   Xem xét hoàn cảnh kỹ càng
                   Quyết đoán
                   Dũng cảm
                   Phục tùng đoàn thể"
                                                          (II, 260)
          Sau này, trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá (20/2/1947) và trong tác phẩm "Cần kiệm liêm chính" (1949) những ý tưởng về nhân cách theo ba mối quan hệ trên đây lại được Người nhấn mạnh sâu hơn và chi tiết hơn.
          Hồ Chí Minh căn dặn:
          Đối với mình: Luôn luôn cầu tiến bộ, không tiến bộ tức là ngừng lại.
          Đối với người: Chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới phải thực hành bác ái.
          Đối với việc: Bất kỳ việc to, việc nhỏ phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết tâm làm cho thành công.
          Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm
          Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
          Hồ Chí Minh đưa khái niệm "Trung - Hiếu" vốn là các khái niệm sâu đậm trong tâm thức người Việt Nam đến một chất mới. Người cho rằng đạo đức của chế độ mới cao rộng hơn, không phải chỉ có hiếu với bố mẹ mà "Trung với nước, Hiếu với dân". Khái niệm Trung với nước, Hiếu với dân được Người thể hiện trong bài thơ tặng cụ Võ Liêm Sơn một nhân sĩ yêu nước khi cụ tham dự Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai (16 - 20/7/1948).
          Người viết:
          "Tặng Võ công
                   Thiên lý công tầm ngã
                   Bách cảm nhất ngôn trung
                   Sự dân nguyện tận hiếu
                   Sự quốc nguyện tận trung
                   Công lai ngã hân hỉ
                   Công khứ ngã tư công
                   Tặng công chỉ nhất cú
                   Kháng chiến tất thành công"       
                                                                   (V, 540)
   (Ngàn dặm cụ tìm đến
   Một lời trăm cảm thông
   Thờ dân trọn đạo hiếu
   Thờ nước vẹn lòng trung
   Cụ đến tôi mừng rỡ
   Cụ đi tôi nhớ nhung
   Một câu xin tặng cụ
   Kháng chiến ắt thành công).
          "Trung với nước - Hiếu với dân" lời của Hồ Chí Minh nói với Võ Liêm Sơn hơn 60 năm trước đây đã thấm vào nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến hào hùng chống xâm lược, qua công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Ngày nay nó là lý tưởng cao cả nhất của thế hệ trẻ Việt Nam.
          Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến các giá trị tình nghĩa trong đạo làm người. Đó là giá trị căn cốt trong đời sống của dân tộc. Khi hỏi các đồng chí của mình: "Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau thế nào không?" và được nghe trả lời "Thưa Bác, nhân dân ta có câu: Tắt lửa tối đèn có nhau", Người đã nhắc nhở: "Đúng là như vậy! nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà".
          Người căn dặn "Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được".
          Người khẳng định: "Mấy chục năm nay nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa". (XII, 554).
          Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống "Ngũ thường" mới cho dân tộc Việt Nam. Kế thừa Khổng học, biết chắt lọc các tinh hoa và đặt vào hoàn cảnh của một đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược, xây dựng đời sống mới, Người xác định: "Người Đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít mà những tính tốt như sau ngày càng nhiều thêm".
          Theo Người "những tính tốt" gồm có năm điều:
                   "Nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm"
          Người giải thích:
          a/. Nhân: là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì, thì việc gì là việc phải họ đều làm được.
          b/. Nghĩa: là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng, phải lo toan. Lúc Đảng giao việc thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói, không sợ người ta phê bình mình mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
          c/. Trí: vì không có việc tư túi nó làm mù quáng cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc, vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
          d/. Dũng: là dũng cảm gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng, Có gan chống lại những sự vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng cho Tổ quốc không bao giờ rụt rè nhút nhát.
          e/. Liêm: là không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
          Ngũ thường của Nho gia là Ngũ thường phục vụ cho Trung Hiếu hạn hẹp thủ cựu, còn Ngũ thường của Hồ Chí Minh là phục vụ cho đất nước, nhân dân, cho cách mạng: Trung với nước, Hiếu với dân. Hồ Chí Minh xác định đó là đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: "Nó là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người". (V, 252).
          Nguyện vọng tha thiết của Hồ Chí Minh là làm cho dân tộc từ bỏ những thói xấu lười biếng, gian giảo, tham ô mà chế độ thực dân đã đầu độc. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (3/9/1945) vị Chủ tịch nước xác định nhiệm vụ cấp bách của nhà nước mới là phải giáo dục lại nhân dân, làm cho dân tộc Việt Nam trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Nền tảng của việc giáo dục đó theo Người là thực hiện: "cần - kiệm - liêm- chính"
          Hồ Chí Minh mong mỏi tha thiết mỗi người Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam phải lấy "Cần - Kiệm - Liêm - Chính" là phươngchâm sống trong cuộc sống mới. Ở nhiều bài nói chuyện với cán bộ, thanh niên, nhân dân về sự tu dưỡng, hành động của họ trong công cuộc xây dựng kiến thiết chế độ mới. Vấn đề "Cần - Kiệm - Liêm - Chính" thường được Người nhắc nhở với những giải thích phát triển vừa giản dị, vừa sâu sắc làm cho các phạm trù này dù hình thức diễn đạt có tính cổ điển mà ý tưởng lại vô cùng sống động trong hoàn cảnh mới của đất nước.
          Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại:
          Ngày 19/5/1946 trong dịp sinh nhật Bác Hồ, các đại biểu trong ban vận động đời sống mới đến chúc thọ Bác, xin Bác cho cuộc vận động một khẩu hiệu, Bác nói:
          "Các chú muốn có một khẩu hiệu ư! Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư. Khẩu hiệu đó".
          Một đồng chí thưa với Bác khẩu hiệu này đã quen thuộc xin Bác một khẩu hiệu mới.
          Bác cười rồi nói: "Hàng ngày ta phải ăn cơm uống nước, phải thở khí trời để sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước, thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không bao giờ cũ cả. Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư đối với đời sống mới cũng như vậy".
            (Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử - NXB Văn học, Hà Nội 1977, tr 450).
          Sau này năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Người đã nói thêm về Cần Kiệm Liêm Chính như sau:
"Trời có bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông
Đất có bốn phương: Đông Tây Nam Bắc
Người có bốn đức: Cần Kiệm Liêm Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người"
                                               (V, 631)
          Bác đã khéo gắn ba phạm trù Thiên, Địa, Nhân - Trời, Đất, Con người (Tam tài) để nêu bật một vấn đề cốt lõi về nhân cách con người của chế độ mới.
          Hồ Chí Minh còn nêu ra mối liên hệ khăng khít của các phạm trù này.
"Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm
Chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần
Cần kiệm liêm là gốc rễ của chính
          Một người phải cần kiệm liêm nhưng còn phải chính trước mới là hoàn toàn… Tự mình phải chính trước mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý".
          Nói rộng ra,theo Hồ Chí Minh một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.
          Năm 1948 Bác Hồ đã gửi cho Tướng Nguyễn Sơn thiếp mừng nhân dịp ông được nhà nước phong quân hàm cấp tướng. Nội dung thiếp mừng là một lời dạy hàm súc về rèn luyện nhân cách bao quát cả bốn mặt: thái độ, tâm hồn, trí tuệ, hành động.
          Bác viết:
                              "Tặng Sơn đệ:
Đảm dục dại
Tâm dục tế
Trí dục viên
Hành dục phương"
          (Nhiều tác giả. Tướng Nguyễn Sơn - NXB Lao động, Hà Nội 1994 - tr 17)
          Bác khuyên "Đảm dục dại" - "Cái mật phải lớn" là Bác nhắc nhớ phải có thái độ can đảm, đúng đắn đối với các nhiệm vụ, công việc mà Tổ quốc nhân dân giao cho.
          Bác khuyên "Tâm dục tế" - "Tấm lòng phải tinh tế" là Bác nhắc nhở phải có sự mẫn cảm trong giải quyết tốt đẹp các mối quan hệ với đồng chí đồng bào.
          Bác khuyên "Trí dục viên" - (Trí tuệ phải đầy đặn toàn diện) là Bác nhắc nhở phải củng cố phát triển sự hiểu biết cho toàn diện, có khả năng thích ứng được mọi hoàn cảnh theo trách nhiệm bản thân.
          Bác khuyên "Hành dục phương" - là Bác nhắc nhở "hành động có hiệu quả đem lại tiếng thơm cho đời".
          Các giá trị: Trung - Hiếu, Nhân - Trí - Dũng; Cần - Kiệm - Liêm- Chính đã được vị Chủ tịch nước nói với các em học sinh thanh thiếu niên với tấm lòng của "Một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang" một cách dung dị như sau:
1 - Phải siêng học
2 - Phải giữ sạch sẽ
3 - Phải giữ kỷ luật
4 - Phải làm theo đời sống mới
5 - Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em
          (Thư gửi các cháu thiếu nhi sau khi Người đi Pháp về 24/10/1946, IV.421)
        - Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
        - Học tập tốt, lao động tốt
        - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
        - Giữ gìn vệ sinh
                             - Thật thà, dũng cảm
          (Thư gửi Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP tháng 5/1961 - X, 356)
          Người xác định thế hệ trẻ là người chủ của nước nhà. Người mong họ phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của đất nước.
          Phương pháp giáo dục mà Hồ Chí Minh kiên trì và khuyến khích cho các đồng chí của mình cùng làm theo là phương pháp giúp cho mỗi con người thấy được viễn cảnh sán lạn, quyết tâm tu dưỡng làm theo điều thiện, điều tốt. Người xác định:
          "Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi. Đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người họ nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
                                                                   (XII, 558).
          Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng ở mỗi con người là kết quả của sự rèn luyện trong thực tế, trong đấu tranh một cách bền bỉ thường xuyên. Người căn dặn.
          "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
                                                                   (IX, 293).
VI/. Một số suy nghĩ về công tác giáo dục thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay  khikinh tế lĩnh hội tư tưởng của Bác Hồ về phát triển con người và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Thế hệ trẻ Việt Nam tiến bước trong thế kỷ XXI với nhiều thuận lợi hơn cha anh, song cũng biết bao thách thức và khó khăn.
Thuận lợi: Đó là tổ quốc được đọc lập và tự do song khó khăn đó là cuộc chiến chống lại nghèo nàn lạc hậu, còn đầy cam go. Mặt bằng kinh tế của nước ta đang có khoảng cách khá xa so với  nhiều nước trên thế giới.
Người ta thường dùng cụm từ "4P" để nêu lên các thách thức cho quá trình phát triển của đất nước:
P1 - Peace. Đó là sự nghiệp gìn giữ được cuộc sống bình yên, đủ tỉnh táo và khôn ngoan chống lại các âm mưu phá hoại của kẻ thù.
P2 - Poverty. Đó là sự nghiệp xây dựng cuộc sống dân chủ công bằng, làm giảm thiểu sự phân cực giàu nghèo có chiều hướng về độ lệch ngày càng cao trong xã hội.
P3 - Population. Đó là sự nghiệp duy trì được quy mô, cơ cấu phân bố dân số một cách hợp lý.
P4 - Pollution. Đó là sự nghiệp bảo vệ được môi trường tự nhiên: môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất có sự trong lành ở đất nước ta.
Nhân cách thế hệ trẻ đang phải chịu đựng những giao thoa của 3 làn sóng.
                   *. Kinh tế thị trường
                   *. Kinh tế tri thức
                   *. Kinh tế XHCN
Kinh tế thị trường có mặt thuận là tạo ra các yếu tố để con người có không gian sáng tạo lớn hơn, thể hiện được sự năng động trong công việc, song mặt trái của cơ chế này là các cạm bẫy của sự chụp giật xảo trá, sống thực dụng, quá khích cực đoan.
Cần giáo dục cho thế hệ trẻ có tinh thần doanh nghiệp chân chính, biết đề kháng với các luận điểm của chủ nghĩa tự do mới, biết kiếm tiền, kiếm được nhiều tiền, song phải làm cho đồng tiền mình kiếm ra vận động nhân văn, vận động đẳng cấp.
Kinh tế tri thức thúc đẩy đất nước đi nhanh  vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá . Nền kinh tế này đòi hỏi con người phát triển hài hoà thông minh, trí tuệ - thông minh bộ óc (IQ Intelligence Quotient) và thông minh cảm xúc - thông minh trái tim (EQ Emotion Quotient).
Điều đáng lo ngại là một bộ phận thế hệ trẻ nước ta có IQ cao, nhưng EQ còn thấp, họ giỏi toán, giỏi vi tính, giỏi ngoại ngữ, sống sành điệu lịch lãm bề ngoài song ở họ đang thiếu lòng trắc ẩn, thiếu sự biết xấu hổ, thiếu sự biết phục tùng công lý, đạo lý, pháp lý, thiếu sự biết phân biệt phải trái, thiếu sự day dứt khi phải đổi ý. trước hiện tượng này có nhà đạo đức bày tỏ sự lo ngại vì như vậy là sự thông thái tăng lên nhưng có chiều hướng làm cho sự phát triển xã hội rơi vào điểm khủng khoảng.
Kinh tế XHCN là lý tưởng cao đẹp của loài người. Nó chứa đựng các yếu tố công bằng , văn minh, nhân văn . Ở nước ta có thời kỳ đã hình thành các nhân tố ban đầu tốt đẹp của nền kinh tế này. Tiếc thay công tác quản lý có sai lầm về "ý chí luận" đã đưa "XHCN" thành chủ nghĩa kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Công tác giáo dục ngày nay cần chú ý giúp cho thế hệ trẻ có khả năng chống lại các hiện tượng "Phi xã hội chủ nghĩa " , "Ngụy XHCN", "Giả XHCN", thế hệ trẻ cần thấu hiểu được tinh thần cao đẹp của Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân văn, có quyết tâm đưa đất nước đi tới đích của lý tưởng này.
Trước vấn đề nhân cách của thế hệ trẻ chịu sự giao thoa của 3 làn sóng : kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, kinh tế XHCN chúng ta không ngạc nhiên khi ở xã hội ta có thanh niên rất "Khả ái" vì họ đã tiếp thu được lý tưởng XHCN, họ lại "Khả uý" vì bắt nhịp với kinh tế tri thức, song đôi lúc họ lại có biểu hiện trong kỹ năng sống, hành động sống có sự "Khả ố" do chưa đề kháng tốt với ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường.
Thái độ khoan dung, nâng đỡ thế hệ trẻ biết "Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh" một cách đồng bộ là điều rất cần thiết.
Công tác giáo dục cần tránh điều chỉ biết phê phán chê bai hoặc thái độ buông xuôi, làm ngơ trước các bất cập của thế hệ trẻ.
Trong hoàn cảnh hiện này cần giúp cho thé hệ trẻ biết ứng xử theo phương châm: "Dĩ bất biến, Ứng vạn biến". Đây là phương châm xử thế của Bác Hồ trên con đường cách mạng.
Vận dụng vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, có thể hiểu vấn đề này như sau:
"Dĩ bất biến" là vô luận trong hoàn cảnh nào thế hệ trẻ cũng phải biết lấy các giá trị "Hiếu trung - Tình nghĩa" làm hạt nhân tu dưỡng hành động của mình.
"Ứng vạn biến" là thế hệ trẻ phải sáng suốt, có bản lĩnh hoà nhịp vào đời sống toàn cầu. Họ không được lạc hậu với thời đại song cũng không được lạc điệu với truyền thống sống "Khiêm - Cung" của dân tộc. Họ ý thức và kiên trì được hệ giá trị sống bản thân, gắn kết được tinh hoa của dân tộc và thời đại thực hiện được minh triết: "Sống khôn ngoan - Sống tử tế - Sống hẳn hoi " trước mọi động thái của cuộc đời.
Chính với ý nghĩa này mà Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức của Người luôn luôn là sự chỉ đạo, là điểm tựa cho công tác giáo dục đối với mọi gia đình, mọi nhà trường và các thiết chế xã hội của đất nước.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CÁC TƯ LIỆU BỔ SUNG
TƯ LIỆU 1
"Con người - Cách mạng - Giáo dục" và sự gắn kết của chúng trong quá trình phát triển theo quan điểm của  Hồ chí minh
          a/. Ba phạm trù "Con người - Cách mạng - Giáo dục" trong quá trình phát triển
          Con người - Cách mạng - Giáo dục là những vấn đề nền tảng của sự phát triển.
          Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Sự phát triển phải vì con người, do con người và thuộc về con người. Công việc đầu tiên trong quốc sách là "Công việc đối với con người". Mục tiêu cao cả nhất và thực tiễn nhất của quốc gia là làm cho mọi người có ăn, có mặc, có chỗ ở, được  học hành.
          Cách mạng là sự cải cách, đổi mới tạo ra những chuyển biến sâu sắc để phát triển bền vững mỗi cộng đồng. Người cách mạng là người biết "Tiên cách tâm", biết cảm hoá giáo dục quần chúng "làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi".
          Giáo dục là sự khai hoá, tạo ra ba nguồn vốn của sự phát triển "Vốn con người", "Vốn tổ chức", "Vốn xã hội". Một đất nước chỉ thực hiện sự tăng trưởng có chất lượng khi có nền giáo dục mang tính cách mạng và công việc cách mạng là hướng vào giáo dục con người nâng cao đồng bộ tâm lực - trí lực - thể lực tạo ra "nhân cách - sức lao động" ngày càng có chất lượng cao trong đời sống cộng đồng". Các quốc gia ngày nay tiến đến kinh tế tri thức đều coi việc xây dựng "Xã hội học tập là khâu then chốt", "Kế hoạch trăm năm lấy giáo dục làm gốc".
          Bác Hồ đã để lại cho chúng ta những lời dạy vô giá đối với ba phạm trù này và những chỉ dẫn sâu sắc để gắn kết chúng trong quá trình phát triển đất nước.
          b/. Mô hình biểu thị sự gắn kết 3 phạm trù: "con người - cách mạng - giáo dục" qua lời dạy của Bác Hồ
 
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 

                  
 
 
 
 
 
 
 
 
          c/ Các lời dạy
          Về con người: "Đầu tiên là công việc đối với con người"       
                                                                   (XII/5003)
          "Chúng ta phải thực hiện ngay : làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó".       
                                                                   (IV/153)            
 
          Về cách mạng:       
                             Cách mạng tiên cách tâm.
                             Cải tạo xã hội tiên cải tạo tư kỷ.
     Kiểm túc thâm tâm.
     Lệ hành tự thừa phê bình.
     Tiên chi dĩ tự kỷ tu thân.
     Kế chi dĩ giáo hoá bộ thuộc.
     Kế chi dĩ cảm ứng dân chúng
          Thơ Hồ Chí Minh. NXB Văn hoá Thông tin 1997, tr 25 (làm cách mạng trước hết phải cách mạng tấm lòng, cải tạo xã hội trước hết phải cải tạo bản thân mình, kiểm điểm sâu sắc nơi đáy lòng, nghiêm khắc tự phê bình. Trước hết tu sửa bản thân, kế đó dạy bảo cấp dưới, sau nữa làm cho quần chúng đồng lòng).
          Về Giáo dục:
                             "Thuy thì đô tương thuần lương hán.
     Tỉnh hậu tài phân thiện ác nhân.
     Thiện ác nguyên lai vô định tính.
     Đa do giáo dục đích nguyên nhân.        
                                 (III/383)
          (Lúc ngủ ai cũng thuần hậu, tỉnh dậy mới phân ra kẻ thiện ác. Thiện ác vốn chẳng phải là tính sẵn, phần lớn do giáo dục mà nên).
 
          Về Cách mạng & con người:
          */ "Mỗi con người đều có cái thiện cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi. Đó là thái độ của người cách mạng".
                                                                   (XII/558)
 
 
          Về Giáo dục & Con người:
 "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
  Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
          Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm rất nặng nề nhưng rất vẻ vang"  
                                                                   (VIII/222)
          Về Cách mạng & Giáo dục:
          "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
                                                                   (IX/293)
          Về Cách mạng & Con người & Giáo dục:
"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân
Tại minh minh đức tức là chính tâm
                        Thân dân tức là phục vụ nhân dân
                        Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết"
                                                                   (VIII/215)
          */ "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (XII / 498).
          Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...
                                                                   (XII/498).
 
          Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế:
                   Phát triển công tác vệ sinh y tế.
          Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...
          Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
                                                          (XII/ 504-505)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TƯ LIỆU 2
"Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh" trong phát triển nhân cách
từ lời dạy của Bác Hồ
          a/. Ba vấn đề "Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh" trong sự phát triển nhân cách.
          Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh là ba điều cơ bản trong rèn luyện phát triển nhân cách đối với mỗi con người trong suốt cuộc đời.
          Đó là sự đòi hỏi ở con người biết sống xứng đáng với bản thân mình, với xã hội, với thiên nhiên.
          Các bậc đại hiền của mọi thời đại đều có lời bàn sâu sắc về một hoặc hai trong ba vấn đề này.
          Bác Hồ kính yêu có ý kiến về cả ba vấn đề trên và cuộc đời Người là mẫu mực về sự thực hiện đồng bộ "Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh" không chỉ cho hạnh phúc của đất nước mình, dân tộc mình mà rộng ra cho nhân loại.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

          Sự tu thân của Bác trên nền tảng của đạo đức cách mạng với các thành tố: Thiện - Trung - Hiếu - Nhân - Trí - Dũng; Cần - Kiệm - Liêm - Chính; Tình/ Nghĩa.
          Trong "Nhật kí trong tù" Người viết về mục đích tu thân:
          Dục thành đại sự nghiệp
          Tinh thần cảnh yếu đại
                    (Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần cần phải cao)
          Sự xử thế của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ ý thức "Điều này chẳng phải dễ dàng trong cuộc sống", động thái của nó đặt con người vào những tình thế mới với những khó khăn nhiều hơn và con người luôn luôn phải có "Chí" và "Minh" trong mọi hoàn cảnh.
          Người nói:
    "Xử thế nguyên lai phi dị dị
    Nhi kim xử thế cánh nan nan"
          (Xử thế từ xưa không phải dễ, mà nay xử thế khó khăn hơn)
          Ở bất cứ hoàn cảnh nào Hồ Chí Minh cũng xử thế theo phương châm "đi thức tỉnh tâm hồn con người" làm cho "phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi".
          Người giáo hoá cho đồng chí của mình học trò của mình thái độ xử thế:
                   Bần tiện bất năng di
                   Phú quí bất năng dân
                   Uy vũ bất năng khuất (ý của Mạnh Tử)
*
*     *
          Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ
           Cúi đầu làm ngựa trước nhi đồng.         (ý của Lỗ Tấn)
          (Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ
          Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu)
          Khi nói đến ý của Lỗ Tấn. Người giải thích: "Nghìn lực sĩ có nghĩa là những kẻ địch mạnh Các nhi đồng nghĩa là quần chúng nhân dân".
          Sự dưỡng sinh của Hồ Chí Minh bao quát hai mặt biết dưỡng sinh cho bản thân mình và dưỡng sinh cho đời sống cộng đồng cho nhân dân. Người gây dựng cho toàn dân thói quen "Tập thể dục" và từ năm 1960 xây dựng phong tục tết trồng cây. Người dạy: "Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân".
          Xúc động thay trong Di chúc trước lúc đi xa, Người còn căn dặn thi hài Người được hỏa táng.
          Người viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi tức là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách hỏa táng sẽ được phổ biến. Và như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất ruộng. Khi ta nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn".
          Đất nước xã hội ngày càng đi lên sự hiện đại càng đòi hỏi gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp với nhau, bổ sung cho nhau rèn luyện thế hệ trẻ làm tốt đồng bộ cả ba việc "Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh". Đối với mục tiêu quan trọng này lời dạy của Bác Hồ và tấm gương của Người luôn luôn là cái đích để thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.
b/. Các lời dạy của Bác Hồ và "Tu thân - Xử thế - Dưỡng sinh"
          Thiện
          */ "Trong xã hội tuy có trăm công nghìn việc song những công việc ấy chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà
          Làm việc Chính là người Thiện
          Làm việc Tà là người ác
Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện.
          Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác"
                                                                   (V, 643)
          */ "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh"
                                                                   (V, 645).
          Trung - Hiếu
          */ Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay thời đại mới đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước, phải hiếu với dân, với đồng bào
                                                                   (4, 149).
          */ "Sự dân nguyện tận hiếu
     Sự quốc nguyện tận trung
     Thờ dân trọn đạo hiếu
     Thờ nước vẹn lòng trung"    
                                               (V, 540)
          */ "Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
          Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh Hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước".
(Thư viết cho họ Nguyễn Sinh 9/11/1950 khi ông Nguyễn Sinh Khiêm tạ thế. Bất đệ: không trọn tình anh em, nguyên lượng: tha thứ. VI, 114)
          Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm
          "Nói tóm tắt, tính tốt (ấy) gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm"
          a/. Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đối với Đảng và nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì, thì việc gì họ đều  làm được.
          b/. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải dấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng, phải lo toan. Lúc Đảng giao việc thì bất kỳ việc to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc gì phải thì làm, thấy việc phải thì nói, không sợ người ta phê bình mình mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
          c/. Trí: Vì không có việc tư túi nó làm mù quáng cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc, vì vậy mà biết việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
          d/. Dũng là dũng cảm gan góc; gặp việc có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng, có gan chống lại vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng cho Tổ quốc không bao giờ rụt rè nhút nhát.
          đ/. Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đó là đạo đức cách mạng. đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.
          Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
                                                          (V, 252 - 253).
          Cần - Kiệm - Liêm - Chính / Chí công vô tư
          Trong Hồi ký của mình "Những chặng đường lịch sử", đ/c Võ Nguyên Giáp thuật lại sinh nhật đầu tiên của Bác Hồ.
          "Tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc Bộ Phủ, các cháu đã tới, Bác Hồ ra đón các cháu vào. Hơn một chục em bé gái trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi nội ngoại thành đến chúc thọ Bác. Trong các em có em hàng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", chữ "t" tượng trưng cho phong trào BDHV, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội nhi đồng cứu quốc. Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây Bách tán. Bác trỏ cái cây nhỏ bé rất xanh trồng trong chậu nói:
          Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy !
          Các em vui mừng hát một bài cám ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu Bách tán đi ra thì một đoàn hơn năm chục anh chị bước vào phòng. Các anh đều mặc quần áo kaki, các chị vận quần áo bà ba đen. Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác.
Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh chị, Bác nói:
          - Tôi xin cảm ơn các anh các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh các chị trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.
           Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác. Các anh chị Nam Bộ đều rưng rưng nước mắt. Lát sau Ban vận động Trung ương Đời sống mới vừa được thành lập tháng trước theo Sắc lệnh của Chính phủ đến chúc thọ Bác. Nhân được gặp Bác các đại biểu đề nghị Bác nêu ra cho cuộc vận động một khẩu hiệu Bác nói:
          - Các chú muốn có một khẩu hiệu ư ! "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư" . Một đại biểu thưa với Bác khẩu hiệu này đã quen thuộc xin Bác một khẩu hiệu mới cho hợp với cuộc vận động đời sống mới.
Bác cười rồi nói:
          - Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở hít khí trời để mà sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư" đối với đời sống mới cũng như vậy".
                             (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử.
                                      Nhà xuất bản Văn học H. 1977 tr450).
          Sau này với bút danh Lê Quyết Thắng  - bằng ngôn ngữ của nhân dân Bác đã thâu tóm: "Cần kiệm liêm chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông
Đất có bốn phương: Đông Tây Nam Bắc
Người có bốn đức: Cần Kiệm Liêm Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người" (V,631)
          Tình nghĩa
          Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến các giá trị tình nghĩa trong đạo làm người. Đó là giá trị cốt lõi trong đời sống của dân tộc. Khi hỏi các đồng chí của mình: "Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau thế nào không?" và được nghe trả lời "Thưa Bác, nhân dân ta có câu: Tắt lửa tối đèn có nhau", Người đã nhắc nhở: "Đúng là như vậy! nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà.
          Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa  Mác - Lênin".
          Người khẳng định: "Mấy chục năm nay nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa". (12, 554).
          Đối với mình, đối với người, đối với việc Người đặt ra yêu cầu có tính nhất quán là phải "Chính". Người giải thích sự liên quan của "Chính" với "Cần - Kiệm - Liêm".
          "Chính  nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.
          Cần, kiệm, liêm, là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
          Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người thiện và người ác.
          Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc chính và việc tà.
          Làm việc chính, là người thiện.
          Làm việc tà, là người ác.
          Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện.
          Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác.
          Bất kỳ ở từng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt:
1.         Mình đối với mình
2.         Mình đối với người
3.         Mình đối với công việc
          Đối với mình:
          - Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ. Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn.
          - Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu. Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.
          - Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.
          Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? Đối với việc có chuyên cần không?
          Cụ Khổng Tử nói:
          Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ.
          Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
          Đối với người:
          Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.
          Trừ bọn việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quí, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới.
          Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.
          Phải thực hành chữ Bác - ái.
 
 
          Đối với việc:
          Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà.
          Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.
          Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm.
          Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thànhlợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc.
          Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt.
          Con cháu mình sung sướng,
          Gia đình mình no ấm,
          Làng xóm mình thịnh vượng,
          Nòi giống mình vẻ vang,
          Nước nhà mình mạnh giàu.
          Mục đích ấy tuy to lớn nhưng rất thiết thực, thiết thực vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần kiệm liêm chính (V, 643 - 645).
          Năm điều khuyên của Bác Hồ với học sinh thiếu niên nhi đồng nói vào các năm 1946 và năm 1961
          Thư gửi các cháu thiếu nhi khi trở về từ Pháp 24/10/1946
          Cùng các cháu nhi đồng và thiếu niên yêu quí,
          Bác đi Pháp mấy tháng. Nhớ các cháu luôn luôn. Chắc các cháu cũng luôn luôn nhớ Bác.
          Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu mang nhau đi đón Bác, có lẽ hơn mười vạn cháu. Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chật hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát, vui vẻ như một đàn chim.
Bác thấy cháu nào cũng mặt mũi vui tươi, áo quần sạch sẽ.
Hỏi, thì cháu nào cũng biết chữ quốc ngữ. Bác mừng lắm. Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:
1.       Phải siêng học
2.       Phải giữ sạch sẽ
3.       Phải giữ kỷ luật
4.       Phải làm theo đời sống mới
5.       Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em        
                                                 (IV, 421).
          Thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm
           20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền Phong tháng 5 - 1961
          "Để ủng hộ đồng bào miền Nam (kể cả thiếu niên và nhi đồng) đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Bắc phải thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
          Các cháu cũng tham gia đấu tranh, bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
          - Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
          - Học tập tốt, lao động tốt
          - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
          - Giữ gìn vệ sinh
          - Thật thà, dũng cảm
          Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
          Bác gửi các cháu nhiều cái hôn!"
                                                                   (X, 356).
          Một số lời khuyên thanh niên của Bác Hồ
          */ Khoảng ngày 19 và 20/1/1946: Trong thư gửi cho Thanh niên và Nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Người dạy:
          "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới các cháu phải xung phong thực hành đời sống mới"  
"Năm mới chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" (4, 167).
          */ Ngày 26 - 5 - 1946: Đến nói chuyện với anh em học viên Trường Võ bị Trần Quốc Toản tại Sơn Tây, Người căn dặn:
"Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói "Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn", sau đó Người trao cho nhà trường lá cờ "Trung với nước, hiếu với dân" (4, 239).
          */ "Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
          Chúng ta phải nhận rằng thanh niên ta rất hăng hái. Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng phong trào thanh niên ta còn chật hẹp, mặc dầu từ ngày Cách mạng Tháng Tám đến nay, thanh niên có cơ hội để phát triển một cách mau chóng và rộng rãi hơn.Vậy nên nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ.Theo ý tôi, muốn đạt mục đích đó, thì mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau đây:
          a) Các sự hi sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
          b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng quyết làm cho kì được
          c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
          d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc
          đ) Quyết tâm làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
          e) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, nên nói ít, làm nhiều, thân ái đoàn kết.
          Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa, là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực; nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được, hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được".
                                                          (V, 185 - 186).
          */       "Không có việc gì khó
                   Chỉ sợ lòng không bền
                   Đào núi và lấp biển
                   Quyết chí cũng làm nên"
          Trung tuần tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch. Người đã làm bài thơ này tặng thanh niên.
                                                                   (VI, 95)
          Kêu gọi toàn dân tập thể dục
          "Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, mỗi người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ
          Bộ giáo dục có nha thể dục, mục đích để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục đều đặn giữ gìn và bồi đắp sức khoẻ.
          Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng lập" 
                                                                   (IV, 212).
          Căn dặn nhi đồng giữ vệ sinh
          "Khi ở nhà thì  siêng giúp đỡ cha mẹ anh em, ăn ở sạch sẽ không gặp đâu nằm ở đó, không gặp gì ăn nấy, không ỉa bậy, đái bậy".
                                                                   (V, 97).
          Khuyên nhân dân giữ vệ sinh
          * "Đói cho sạch, rách cho thơm, mình dù nghèo ai cấm mình ăn ở sạch sẽ. Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khoẻ thì làm được việc, làm được việc thì có ăn".
                                                                   (V, 96).
          * "Về vệ sinh đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung hoặc cầu xia riêng cho từng nhà để khỏi hôi thối, ruồi nhặng lại có phân tốt"
                                                                   (V, 101).
          Phát động nhân dân thực hiện Tết trồng cây.
          */ " Ngày 6 - 1 - 1960 Bác ra lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày 6/1 - 6/2/1960. Người mong mỗi người trồng được một cây, chăm bón tốt. Người gọi đợt trồng cây này là "Tết trồng cây".
Đây là tết trồng cây đầu tiên ở nước ta do Bác Hồ phát động (tư liệu từ Biên niên tiểu sử tập.
                                                                   (VII, tr 421).
          **/ Ngày 25/3/1960, Bác viết bài báo (bút danh Trần Lực) với nhan đề "Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây" (Báo Nhân dân số 2/98). Người nêu những nhận xét về ưu khuyết điểm cần sửa chữa của trồng cây đó phát động và chỉ rõ: "Tết trồng cây là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới".
          Người nêu yêu cầu: "Trông cây nào, tốt cây ấy"
                             (Tư liệu Biên niên tiểu sử, tập VII, trang 467)
          */ Ngày 5/2/1961 Bác tham gia trồng cây tại Vườn hoa Thanh Niên và Công viên Thống Nhất với Đại biểu Thanh niên. Người căn dặn thanh niên.
          "Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi".
          */ Ngày 1/1/1965 Bác viết bài
                    "Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây"
          Mở đầu bài viết là lời thơ:
                   "Mùa xuân là tết trồng cây
                   Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"
          Người nêu rõ: "Tết trồng cây bắt đầu phổ biến từ mùa xuân năm 1960, vì lợi ích rõ rệt cho nên nhân dân hăng hái hưởng ứng ở nhiều nơi đã thành một phong trào quần chúng".
                                                                   (XI, 356)
          */ Trích Di chúc:
          "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đưa phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi tức là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hoả táng" sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất ruộng. Khi ta nhiều điện thì "điện táng" cũng tốt hơn.
          Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. 1 hộp cho miền Bắc, 1 hộp cho miền Trung, 1 hộp cho miền Nam.
          Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó Không nên có bia đá tượng đồng mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
          Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng 1 vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp"
                                                          (XII, 499 - 500).
 
 
 
 
 
 
 
 
TƯ LIỆU 3
 
Thiếp Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn (năm 1948) và nội dung
 rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ trước yêu cầu cuộc sống hiện đại
          a. Năm 1948, Bác Hồ đã gửi cho ông Nguyễn Sơn thiếp mừng nhân dịp ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Nội dung thiếp mừng là một lời dạy hàm súc về rèn luyện nhân cách bao quát cả bốn mặt: thái độ, tâm hồn, trí tuệ và hành động.
                   Gửi Sơn đệ:
                   Đảm dục đại
                   Tâm dục tế
                   Trí dục viên
                   Hành dục phương   
                                      Hồ Chí Minh
          Dịch nghĩa:
Cái mật phải lớn (dũng cảm)
Cái tâm phải tinh tế trong sáng
Cái trí tuệ phải toàn diện
Hành động phải có hiệu quả.
Bác đã lấy ý những câu thơ cổ sau để có lời khuyên trên:
Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu
Trí dục viên nhi hạnh dục phương
Niệm niệm như lâm địch nhật
Tâm tâm thường tự quá kiều thì.
Dịch nghĩa:
Cái mật phải lớn, suy xét phải kỹ càng, biết cân nhắc
Cái trí phải toàn diện, đức hạnh phải trong sáng
Phải tưởng rằng hằng ngày mình phải đối đầu giữa một rừng địch quân.
Nhưng lại phải biết thận trọng, nghĩ như đang đi trên một chiếc cầu cheo leo khó khăn.
          b. Từ Hán Việt "Tiểu tâm" là con người nhỏ nhen, khi đảo lại "Tâm tiểu" có hàm ý: Con người phải biết thận trọng cân nhắc không được chủ quan trong cuộc sống. Ai đó khi đứng trước một tình huống khó khăn hiểm nguy gay cấn nào đấy thường "thót tim lại". Thót tim lại không phải là sự hèn nhát sợ hãi, mà là trạng thái cần có để cân nhắc tìm ra giải pháp hành động tối ưu. Cái tài tình của Hồ Chí Minh là từ "Tâm tiểu" của câu thơ cổ đã đổi thành "Tâm tế". "Tâm tế" trước đó đã được Bác Hồ nói đến trong bài thơ "Học dịch kỳ" (Học đánh cờ).
Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
Kiên quyết thì thì yếu tấn công.
Bản dịch câu thơ này sang tiếng Việt diễn đạt là:
"Phải nhìn cho rộng suy cho kĩ"
          Nghĩa gần của "Tâm tế" là "Suy cho kĩ" và nghĩa rộng là sự rèn luyện: Tâm hồn tinh tế trong sáng nhân văn. Vì đã đề cập đến khía cạnh đạo đức trong cụm từ "Tâm tế" nên từ "Hạnh" trong cụm từ "Hạnh dục phương" được Hồ Chí Minh thay bằng "Hành".
          Các tài liệu sau này cho biết khi Nguyễn Sơn nhận được tin phong "Thiếu tướng", ông chưa thật vui, Nguyễn Sơn nghĩ với tài năng và công lao của mình ông sẽ được một quân hàm cao hơn. Biết được tâm trạng này, Bác Hồ đã giao cho Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch với tư cách phái viên của Bác Hồ về Thanh Hoá tổ chức lễ phong tướng cho Nguyễn Sơn. Bác dặn đồng chí Phạm Ngọc Thạch đưa thư của Bác cho đồng chí Nguyễn Sơn trước khi tổ chức lễ phong. Mở đầu thư Bác dùng lời: Gửi Sơn đệ (Gửi người em Nguyễn Sơn). Bác dùng tình cảm gia đình để khuyến nghị thực hiện kỷ cương quốc gia.
          Với các câu:
"Đảm dục đại
Tâm dục tế
Trí dục viên
Hành dục phương"
          Bác vừa có ngụ ý khen sự dũng cảm và kiến thức uyên bác song còn có ẩn ý nhắc nhở Nguyễn Sơn thái độ chớ nên kiêu ngạo, hành động chớ nên hấp tấp vội vàng.
          Đọc thư của Bác do đồng chí Phạm Ngọc Thạch trao cho (vì Bác biết Nguyễn Sơn rất thạo văn thơ cổ Trung Quốc, Nguyễn Sơn sẽ hiểu ngay là Bác lấy từ ý của Khổng Tư Mạc đời Đường), Nguyễn Sơn đã ân hận về thái độ chưa đúng của mình. Ông kịp nhận ra thiếu sót và vui vẻ nhận tước phong của Nhà nước. Quân khu bộ Liên khu tư đã tổ chức buổi lễ phong tướng rất trang trọng.
          Bức thư của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn không chỉ giới hạn trong nội dung vốn có của nó. Nội dung bức thư cho đến ngày nay còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự cho công tác giáo dục thế hệ trẻ vì đã khái quát sâu sắc yêu cầu tính toàn vẹn hài hoà trong nhân cách con người với 4 tố chất IQ, EQ, AQ, CQ.
          Ngày nay, người ta thường nhấn mạnh ở mỗi con người phải có đồng bộ cả thông minh về mặt trí tuệ, thường gọi là thông minh từ bộ óc (qua chỉ số IQ: Intelligence quotient) và thông minh về mặt xúc cảm, thường gọi là thông minh từ trái tim (qua chỉ số EQ: Emotion quotient). EQ nhiều khi được đánh giá cần thiết hơn IQ bởi lẽ con người không chỉ cần có thông minh về khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật mà cần hơn là con người phải có một cảm xúc đúng đắn với cộng đồng. Con người phải biết vui cái vui của người khác, biết đau cái đau của người khác, biết sống khoan dung lẫn nhau. "EQ - IQ" được thể hiện trong các câu "Tâm dục tế - Trí dục viên" từ lời dạy của Bác. Bổ sung và hỗ trợ cho "IQ - EQ", con người phải có "AQ - CQ". AQ (Advesity quotient) chỉ rõ con người phải rèn luyện tố chất vượt qua thử thách, vượt qua nghịch cảnh.
          Người chiến sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo và biết bao anh hùng liệt sĩ khác là những người rất dũng cảm song các bà mẹ Việt Nam cũng là những anh hùng khi nhiều người trong số họ:
"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ"
          "AQ" được thể hiện trong câu "Đảm dục đại" từ lời dạy của Bác.
          "CQ" (Creative quotient) chỉ rõ con người phải có tố chất hành động hiệu quả trong bất cứ công việc gì. Hiệu quả (E) là một đại lượng thể hiện sự so sánh giữa hai nhân tố kết quả (a) và chi phí (b).
 
 
                                a
                    E = -----------
                                b
Con người phải hành động thế nào để a tiến đến max và b tiến đến min.
Ngoài ý nghĩa tổng quát phạm trù hiệu quả còn bao quát hai trường hợp sau:
Khi "b" đã ấn định thì hành động phải đạt đến "a" tối đa hoặc là sử dụng để có "a" theo mục tiêu đã đề ra và cần "b" tối thiểu. CQ được thể hiện trong câu "Hành dục phương" từ lời dạy của Bác.
Có thể khớp lời dạy của Bác qua thư gửi tướng Nguyễn Sơn với nội dung bốn chỉ số EQ, IQ, AQ, CQ của con người hiện đại trong sơ đồ sau:
 
 
 
 
 
 
 
 
 

         
 
          Nhân loại đang đi vào kỷ nguyên toàn cầu hoá, vào nền văn minh tin học, vào sự thông thái với tốc độ phát triển mạnh mẽ.
          Mô hình nhân cách con người ở thời đại này sẽ phải như thế nào để thích ứng với sự phát triển mới mà đồng thời vẫn giữ được tính truyền thống.
          Con người đang có những thời cơ thuận lợi được phát triển, nhưng cũng chịu đựng các thử thách một cách khốc liệt.
          Chuyên gia giáo dục UNESCO, ông Raja Roysing đã nhắc tới ý kiến của thầy Mạnh Tử một cách trang trọng trong tác phẩm nổi tiếng "Nền giáo dục cho thế kỷ XXI, những triển vọng của châu Á - Thái Bình Dương" và bình luận:
          "Mỗi một phút hơn một triệu đô la được chi cho việc sản xuất các vũ khí giết người hàng loạt. Sự nguy hiểm chết người hơn thế nữa là chính những cái đầu óc suy ngẫm để vạch kế hoạch cho một sự huỷ diệt cuối cùng lại đang tạo ra những cái đầu óc mới chỉ có thể hoạt động trong môi trường phá hoại. Đây không phải là vấn đề loài người thiếu kiến thức mà chính là sự thông thái đang bị khủng hoảng. Cái thông thái mà nhà tư tưởng Mạnh Tử hơn hai nghìn năm trước đây đã nói trong "Tứ đoan":
    - Cảm giác của lòng trắc ẩn là khởi đầu của Nhân.
    - Cảm giác biết ăn năn hối hận là khởi đầu của Nghĩa.
                   - Cảm giác tôn trọng phục tùng là khởi đầu của Lễ.
                   - Cảm giác biết phân biệt phải trái là khởi đầu của Trí.
          Có được bốn khởi đầu này mà họ không phát triển được thì họ đang tự huỷ diệt".
          Nội dung thiếp của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn vẫn là điểm tựa để các nhà trường xác định hệ giá trị cần giáo dục cho thế hệ trẻ sống xứng đáng trong bối cảnh mới. Đó là sự phát triển vượt qua mọi sự thử thách cám dỗ, sống dũng cảm, sống có tâm hồn tinh tế, trong sáng, sống có kiến thức hài hoà vững chắc, sống với phương pháp làm việc đạt được chất lượng hiệu quả tốt nhất theo hoàn cảnh của mình.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TƯ LIỆU 4
Bức thư nhỏ gửi cho trò và bài báo ngắn khuyên thầy của Bác Hồ
          Sinh thời Bác Hồ kính yêu có hàng trăm bức thư gửi cho thầy trò các nhà trường. Với bút danh khác nhau Bác còn có rất nhiều bài báo đề cập vấn đề xây dựng nền giáo dục mới, nhà trường mới, việc rèn luyện tu dưỡng của thầy trò.
          Chúng tôi xin thuật lại ở đây một bức thư nhỏ gửi cho trò và một bài báo ngắn khuyên thầy thể hiện sự quan tâm tinh tế của Bác đến đời sống sư phạm của các nhà trường.
1. Bức thư nhỏ gửi học trò Nam Định
          Tháng 3/1946, một số học sinh trung học phổ thông ở Nam Định có sáng kiến lập nhóm "Tập viết". Họ giúp nhau viết được các bài báo trình bày nhận thức về chế độ mới; họ muốn chứng minh từ nền giáo dục học "toàn chữ Tây", giờ đây họ viết tốt được chữ Việt. Họ muốn báo cáo với Bác kết quả sự rèn luyện trong nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam mà thư Bác Hồ đã căn dặn từ tháng 9/1945.
          Đúng dịp đó Bác Hồ có chuyến công tác về Nam Định, nhóm học sinh này mạnh dạn gửi tặng Bác Hồ sản phẩm báo "Tập viết" của họ. Bận rất nhiều việc trọng đại của quốc gia (Thời điểm tháng 3/1946), nhưng Bác Hồ rất trân trọng với cố gắng bước đầu của nhóm học sinh này.
          Về Hà Nội người xem kỹ báo "Tập viết" và một tuần sau Người có thư trả lời.
          "Thân gửi các cháu "Tập viết"
                   Bác có mấy lời  khuyên các cháu:
                   ý tứ nên rõ ràng
                   Lời lẽ nên phổ thông
                   Câu chữ nên ngắn gọn
                   Chúc các cháu thành công
                                      Ký tên: Hồ Chí Minh
          Nhóm học sinh nhận thư Bác rất xúc động (Nhóm này có Lê Quý An, Vũ Văn Tảo về sau đã trở thành cán bộ khoa học tài năng, có đóng góp tốt cho phát triển giáo dục, khoa học). Họ hiểu Bác vừa khen, vừa khuyên họ còn phải cố gắng nhiều hơn trong việc phấn đấu viết chữ Việt.
          Sau này (năm 1953) trong một lớp huấn luyện tại chiến khu Việt Bắc, Người có lời khuyên cán bộ phải quan tâm vấn đề cách viết, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
          Bác khích lệ những việc làm tốt đối với lĩnh vực này và nhắc cán bộ, nhắc văn nghệ sĩ phải tránh viết "lằng nhằng", "trường giang đại hải", cách dùng chữ "hoang vu" ngộ nghĩnh không hợp với quần chúng.
          Người căn dặn khi viết phải xác định:
Viết cho ai?
Viết để làm gì?
Viết cái gì?
Viết thế nào?
          Người khuyên: "Viết rồi phải  đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi Phải nhờ một số đồng chí công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chỗ nào khó hiểu họ nói ra cho thì phải chữa lại" (7, 120).
          Như vậy là trước khi đi tới những lời khuyên rất hệ thống dẫn ra trên đây cho đông đảo cán bộ, văn nghệ sĩ thì nhóm học sinh "Tập viết" ở Nam Định có vinh dự được Bác khuyên nhủ sự rèn luyện một kỹ năng rất quan trọng trên con đường học tập của mình.
          2/. Bài báo ngắn khuyên thầy
          Từng là một người thầy - thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ rất hiểu sự khác nhau vai trò người thầy của chế độ cũ và người thầy của chế độ mới. Trong bài nói chuyện tại "Lớp học chính trị của giáo viên" năm 1959, Người xác định "Các cô, các chú đều biết giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm" mà là người phụ trách những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ".
 
 
          Người khuyên:
          "Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng".
          Bác theo dõi rất sát những việc giảng dạy tu dưỡng của giáo viên các nhà trường. Biết ai làm tốt, Người kịp thời khen ngợi, gửi phần thưởng, ai làm chưa tốt chưa gương mẫu, Người ân cần nhắc nhở chấn chỉnh nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Tháng 7/1963, biết một số thầy giáo ở trường cấp 2 xã Đại Thanh, xã Liên Châu (lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) còn thiếu gương mẫu trong giảng dạy và sinh hoạt đời sống địa phương, Bác viết bài báo có nhan đề "Sư hinh" (Tiếng thơm của người thầy giáo) đăng ở báo Nhân dân số 3390.
          Trong bài báo này Bác tỏ lời khen ngợi những việc làm tốt đẹp của đại đa số giáo viên và Người phê bình một số việc làm thiếu gương mẫu, kém đạo đức của một số giáo viên hai trường nói trên. Bác kết luận ở bài
báo này "Những thầy giáo này không tiêu biểu cho
          "Sư hinh" mà họ đã "sinh hư" (tư liệu Biên niên tiểu sử tập 8, tr.434).
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TƯ LIỆU 5
Bác Hồ nói chuyện với học sinh và giáo viên
Trường phổ thông cấp III Chu Văn An (Hà Nội)
"Do các cháu cố gắng, do các thầy, các cô giáo cố gắng, năm nay nhất là mấy tháng gần đây các cháu có những tiến bộ khá.
Tác phong, kỷ luật tư tưởng tiến bộ, như thế là tốt.
Tham gia lao động như thế là tốt.
Trước nói: lao động là vẻ vang.
Nhưng các cháu hiểu: anh lao động, tôi vẻ vang.
Nay hiểu: mình lao động, mình vẻ vang. Vì các cháu, các thầy, các cô trực tiếp lao động nên tinh thần đối với lao động cũng có khác.
Trước: các cháu chưa biết khó nhọc của công nhân, nông dân.
Bây giờ: biết lao động của công nông cần cù, khó nhọc.
Trước: các cháu cơm đến thì ăn, áo đến thì mặc.
Bây giờ biết rõ làm ra cơm áo là khó nhọc.
Trước: không biết vì sao phải cần kiệm.
Nay hiểu rõ là lao động khó nhọc mới có cơm ăn, áo mặc, nên biết vì sao phải cần kiệm. Như thế là tư tưởng biến đổi.
Trước khinh lao động chân tay. Bây giờ trọng lao động chân tay và người lao động. Như thế là tư tưởng biến đổi.
Do đó tác phong của các cháu cũng thay đổi.
Trước: đi học về vứt sách, ăn cơm rồi chơi không làm việc nhà, vì cho mình là cô cậu học trò, nhất là học trò trường Bưởi là oai lắm.
Bậy giờ: các cháu đã ngăn nắp trật tự hơn.
Cũng do như thế mà chí khí các cháu tốt hơn.
Bác nói các cháu chớ giận.
Trước: các cháu ăn bám bố mẹ.
Bây giờ: bước đầu ít nhiều các cháu đã biết tự lực cánh sinh như làm vườn, làm mộc ... Các cháu học tập những người lao động, các cháu không muốn ăn bám bố mẹ, ăn bám xã hội.
Trước: các cháu chỉ học trong sách.
Bây giờ: học và thực hành kết hợp với nhau.
Ví dụ: trước khi học về nông học, thầy trò chỉ học trong sách vở.
Bây giờ: các cháu về nông thôn, cày cấy, trồng trọt, làm phân. Như thế là học kết hợp với hành.
Do lao động, trí thức tăng thêm.
Do lao động, sức khoẻ tăng hơn.
Đó là kết quả lao động sản xuất.
*
*      *
Xã hội chủ nghĩa là cái gì? Các cháu có hiểu không?
Xã hội chủ nghĩa là tất cả mọi người phải ra sức lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội xây dựng được, mọi người mới sung sướng, ấm no.
Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa. Trường học xã hội chủ nghĩa là thế nào?
Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường:
          - Học đi với lao động
- Lý luận đi với thực hành
- Cần cù đi với tiết kiệm
*
*     *
Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với chủ nghĩa cá nhân. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa.
Cá nhân chủ nghĩa đẻ ra hàng trăm tính xấu như siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, nghĩ đến mình không nghĩ đến đồng bào, tham danh lợi, địa vị, v.v..
Các thầy giáo, các cô giáo, các cháu cần luôn luôn bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh tiêu diệt cá nhân chủ nghĩa.
Bác được nghe báo cáo các cháu năm nay tiến bộ hơn năm ngoái, tiến bộ về học tập, lao động, kỷ luật, trật tự và tác phong.
Đó là tiến bộ bước đầu. Như thế là tốt.
Bác mong các thầy giáo, cô giáo đoàn kết cố gắng tiến bộ hơn nữa.
Tương lai đẹp đẽ của tất cả mọi người. Mọi người phải cố gắng. Bác mong năm sau các cháu tiến bộ hơn. Các cháu phải xứng đáng là chủ nhân tương lai của của nước Việt Nam hoà bình - thống nhât - độc lập - dân chủ và giàu mạnh. Các cháu có làm được không? (Có) - Có chắc chắn không? (Có) - Có quyết tâm không? (Quyết tâm). Thế thì tốt. (Nói ngày 31-12-1958  Bản đánh máy này, có bút tích sửa chữa, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
 
 
 
 

Tác giả bài viết: NinhND