Đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động

Đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu với sự kết nối mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo, rô bốt người máy dần sẽ thay thế lao động giản đơn, đặt ra yêu cầu lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập,có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới càng trở nên cấp thiết; Hơn nữa do tác động của đại dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chuyển đổi, thẩm chí giải thể…ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh dẫn tới lao động có thể mất việc làm cũ, muốn tìm việc làm mới, xuất hiện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi nghề nghiệp. Trong lúc đó hiện nay vẫn còn một bộ phận lao động đang làm việc có trình độ học vấn, kỹ năng nghề chưa đáp ứng yêu cầu; hiểu biết về chính sách pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế có nhu cầu tham gia đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp hơn...Nên việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho một bộ phận người người lao động đặt ra rất cấp bách, cần thiết, không để đứt gãy nhằm góp phần tạo điều kiện đảm bảo việc làm, ổn định đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích cho lao động.
    Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN… Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.



    Đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động là tất yếu, khách quan, là  nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên ( để người lao động không bị gián đoạn về việc làm) trong chương trình tổng thể góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp trong những năm tới mà chúng ta dự định thực hiện trong đó:Đến năm 2022: Quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%); trong đó trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có 40 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 3-5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2025: Quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%); có 70 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 5-7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; thực hiện cổ phần hoá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định. Đến năm 2030: Quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.

    Để đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của lao động do biến động của thị trường lao động, có nghề mới xuất hiện, một số nghề mất đi hoặc chuyển hóa; Đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động; nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.Trong bài viết chúng tôi chỉ đề cập tới việc Đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi nghề cho lao động qua giáo dục nghề nghiệp; Việc đào tạo, bồi dưỡng cần chú trọng: kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập để đáp ứng với yêu cầu công việc mới có năng xuất, hiệu quả trong kỷ nguyên số, hội nhập theo chúng tôi cần thực hiện tích cực các giải pháp vừa trước mắt, vừa dài hạn gắn với thực tiễn sau đây:

    Một là, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đào tạo cần chủ động đề xuất, có sự tham gia doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chính sách pháp luật về đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động để kịp thời giải quyết bức xúc của công nhân, lao động về nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

    Hai làhoàn thiện thể chế như: Sửa đổi hệ thống luật pháp lao động, việc làm phù hợp với các cam kết trong các FTA, trước hết là phù hợp với các công ước cơ bản của ILO; Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới có tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực; Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; Xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo, bồi dưỡng.

    Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

    - Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động từ đó vận động lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để có cơ hội chuyển đổi nghề.

    - Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề, phát triển kỹ năng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.

    - Tổ chức các diễn đàn, tập huấn, tọa đàm, trao đổi, tham quan và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả.

    - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình triển khai thực hiện để người lao động được tiếp cận thông tin về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mang lại có việc làm và thu nhập ổn định.

    Bốn là, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động có hiệu quả.

    - Điều chỉnh, bổ sung cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng: Nâng cao năng lực; đảm bảo hợp lí vùng miền, cơ cấu ngành nghề, qui mô; nâng cao chất lượng đào tạo.

    - Nâng cao năng lực cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.

    Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia; đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho việc dạy các nghề không thuộc danh mục các nghề trọng điểm.

    Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề:  Có chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề vào các cơ sở dạy nghề bảo đảm số lượng biên chế cơ hữu theo quy định, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của việc dạy từng nghề cụ thể trong đó có các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.

    Phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề: Đối với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế: Thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, cơ sở hợp tác của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế phù hợp với thị trường lao động Việt Nam.

    Đối với các nghề trọng điểm các cấp xây dựng, trên cơ sở chương trình khung do Bộ Lao động - Thương độ ban hành: Áp dụng và thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; chương trình, giáo trình của các nghề khác do cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ban hành theo chuẩn đầu ra hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

    Hội nhập quốc tế: Mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo; tổ chức quản lý cơ sở dạy nghề theo chuẩn mực quốc tế; học sinh, sinh viên tốt nghiệp được công nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế; Tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; Triển khai và ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
     - Đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước tính đủ chi phí đào tạo nghề theo lộ trình của Nhà nước quy định; huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm yêu cầu số lượng, chất lượng dạy nghề của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động dạy nghề; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.

    Năm là, trên cơ sở cầu về lao động chuyển đổi nghề, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp phù hợp có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt về kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập, thái độ nghề nghiệp, chú trọng năng lực thực hiện để người lao động sau đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi được nghề nghiệp có năng xuất lao động cao hơn.


Nguồn tin: Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp