Học nghề 9+: Lối mở vào đời

Học nghề 9+: Lối mở vào đời
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
    Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng đã giao các bộ ngành một số giải pháp để đạt mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, như nghiên cứu đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp lớp 9, hỗ trợ tài chính cho đào tạo nghề… Từ số này, Báo Đại Đoàn kết sẽ đăng loạt bài về đẩy mạnh mô hình đào tạo nghề 9+ (sau bậc THCS), một xu hướng lập nghiệp mới trước ngưỡng cửa vào đời của các bạn trẻ hôm nay.

    Thời điểm này, HS học lớp 9 và lớp 12 ở nhiều địa phương đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT và dự thi tốt nghiệp THPT, làm hồ sơ tuyển sinh ĐH. Liệu có bao nhiêu cô cậu học trò trong số đó thực sự muốn học tiếp lên các bậc học cao hơn, hay đó chỉ là mong muốn, là định hướng của các bậc phụ huynh. Trên thực tế có những HS không có đủ năng lực để học tiếp lên bậc THPT, các em rất muốn được đi làm sớm, nhưng khi bày tỏ nguyện vọng đã bị phụ huynh “ép” phải theo con đường khoa cử.


Học nghề 9+ tiết kiệm thời gian để có công việc phù hợp

Chọn nghề cho cha mẹ?

    Đơn cử như tại Hà Nội trước mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10, không ít phụ huynh lại nháo nhác tìm trường cho con. Nhiều người chia sẻ, vì biết chắc con không thể đỗ vào các trường THPT công lập nên cha mẹ đã chọn cho các cháu học ở một trường dân lập phù hợp với khả năng tài chính. Khi được hỏi: Tại sao không cho các cháu tham gia học nghề sớm cho đỡ vất vả cả con cái và cha mẹ, đa phần phụ huynh cho rằng, học xong lớp 9 những đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ trước ngưỡng cửa lập nghiệp vào đời; rằng mong muốn của cha mẹ là các cháu đỗ ĐH, để sau này có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, lúc đó các cháu cũng đã cứng cáp, trưởng thành hơn.

    Việc HS bị áp đặt ước mơ, sở thích lâu nay vẫn là câu chuyện phổ biến trong nhiều gia đình. Trên thực tế ngay cả đối với HS tốt nghiệp THPT, để thuyết phục các em/hoặc cha mẹ các em lựa chọn học nghề cũng đã không hề dễ dàng. Có lẽ rất ít người đồng tình cho con mình học xong lớp 9 lại đi học nghề làm móng, làm tóc, nấu ăn, sửa chữa ô tô…Bởi sự lựa chọn ấy hiện vẫn đang ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh.

    Chia sẻ về điều này, ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS, các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có HS học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%… chọn luồng GDNN chỉ là giải pháp của rất ít HS.

    Ông Giang cho hay, từ năm 2018 Bộ LĐTBXH đã có công văn về việc khuyến khích đào tạo chương trình CĐ cho HS tốt nghiệp THCS, trong đó hướng dẫn cụ thể các trường trung cấp, CĐ nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình CĐ liên thông từ trung cấp dành cho HS tốt nghiệp THCS (gọi tắt là chương trình 9+). “Đào tạo 9+ là cách thức tiết kiệm thời gian nhất để có một công việc phù hợp. Sau 3 năm học chương trình CĐ, các em đã có thể gia nhập thị trường lao động, có lương để trang trải cuộc sống, tiết kiệm một nửa thời gian so với học lên THPT để học lên các trình độ cao hơn”- ông Giang nhấn mạnh. 

Xu hướng của xã hội

    Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN): Phân luồng HS sau THCS là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Ở nhiều nước châu Âu, tỉ lệ HS sau trung học tham gia GDNN cao do nhu cầu việc làm và hệ thống giáo dục liên thông linh hoạt. Bên cạnh đó, ở một số nước, số HS tuổi 17 hoặc 18 không vào được ĐH hoặc CĐ nhưng không được chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, gây khó khăn cho xã hội. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, những HS này, nếu được đào tạo trong các cơ sở GDNN, sẽ tiết kiệm rất lớn ngân sách, giảm gánh nặng cho xã hội. Nhiều quốc gia cũng đang đa dạng hóa các loại hình và hình thức cung cấp giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thu hút HS học nghề.

    Tại nước ta, phân luồng HS sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% HS vào học các trường nghề. Nhưng hiện nay, con số này mới chỉ đạt 15%.

    Theo các chuyên gia, Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho HS tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.

    Ghi nhận thực tế mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình 9+ đang tái khởi động lại. Hình thức “học nước rút” của HS tốt nghiệp THCS và theo học trung cấp nghề một vài năm trở lại đây đã trở thành phương án học tập hiệu quả được triển khai ở nhiều địa phương. Tham gia chương trình này, các em vừa có thể học văn hóa để hoàn thành chương trình THPT, vừa học nghề trình độ trung cấp, CĐ. Với HS sau lớp 9 ở nông thôn, đây là một sự rút ngắn khoảng cách để lập nghiệp, vào đời. Gặp gỡ những phụ bếp trẻ trong một số khách sạn tại Hà Nội, được biết thay bằng bỏ dở học hành, ở quê nhà giúp gia đình làm ruộng hay gia nhập đội ngũ làm nghề tự do, sau 2 năm được học nghề ở các cơ sở trung cấp nấu ăn, các em đã có việc làm ổn định, thu nhập khá.

    Mùa tuyển sinh 2020, các trường trung cấp, CĐ đang ráo riết tuyển sinh, trong đó đối tượng hướng đến là các HS THCS có định hướng nghề nghiệp. Một số trường tích cực hướng tới đối tượng này như Trường trung cấp công nghệ Thăng Long, Trường CĐ nghề Việt Xô số 1-  Bộ Xây dựng, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội…với đa dạng, phong phú các ngành nghề đào tạo. 

    Hiện mỗi năm có hàng chục nghìn HS lớp 9 ở cả nông thôn và thành thị đứng trước ngã rẽ lựa chọn tiếp tục theo học THPT hay đi học nghề để đi làm sớm. Nhu cầu thị trường lao động lớn, nhưng nguồn nhân lực vừa thiếu vừa lãng phí. Vấn đề đặt ra là làm sao để công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông thực sự đúng và trúng, để kể cả khi đã lựa chọn học nghề, người học cũng yên tâm và được đảm bảo về đầu ra.


Nguồn tin: Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp