Không học nghề làm sao thoát cảnh thất nghiệp

Không học nghề làm sao thoát cảnh thất nghiệp
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp - khoảng 5%.

    Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp - khoảng 5%.

    Theo thống kê năm 2015, hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề; đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỷ đồng.


Không học nghề làm sao thoát cảnh thất nghiệp!

    Cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia BHTN, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, trong đó hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề (5%).

    Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng). Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm.

    Theo các chuyên gia về thị trường lao động, một trong những nguyên nhân dẫn tới thất nghiệp là do nghề nghiệp hiện tại của người lao động không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

    Một thực tế là phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính để học nghề. Mặt khác, mức hỗ trợ học nghề hiện chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện. Được biết để giải quyết các vấn đề này, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động.



    Thế nhưng, một "rào cản" khác đang tồn tại, đó là nền tảng kiến thức văn hóa của rất nhiều lao động thất nghiệp hiện không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề - đối với nhiều ngành nghề mà thị trường đang có nhu cầu. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của hầu hết doanh nghiệp chủ yếu cần lao động có khả năng sử dụng máy móc, thiết bị có yếu tố công nghệ chứ không phải lao động chỉ đơn thuần sử dụng tay chân, sức lực như trước. Vì vậy, để đào tạo nghề cho số lao động trên, ngoài dạy nghề còn phải quan tâm đến việc bổ túc văn hóa - đồng nghĩa với việc cần có quỹ thời gian và chương trình đào tạo "dài hơi" và căn cơ hơn.

    Người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp. Nhưng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn để người lao động có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình đào tạo nghề và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người thất nghiệp tham gia học nghề.


Nguồn tin: baodansinh.vn