Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Đại hội XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn
Đại hội XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Đại hội nhận định và đưa ra quan điểm về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây được coi là một điểm nhấn trong chủ đề của Đại hội, là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “Việt Nam cất cánh”. Khát vọng thịnh vượng đã khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu với non sông, đất nước, và gần một trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó mục tiêu rõ nhất là làm cho người dân được hạnh phúc.



“Khát vọng phát triển đất nước” là cụm từ được đề cập rất nhiều lần trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là khát vọng chính đáng và khoa học của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại xuyên tạc việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước như vậy là viễn cảnh hão huyền, viển vông. Do đó trong phạm vi khuôn khổ bài báo cáo này, tôi xin phép tập trung phân tích, làm nổi bật điểm nhấn trong nhận thức mới của Đảng đó là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch, cơ hội chính trị về khát vọng chính đáng và khoa học của Đảng và nhân dân ta về một đất nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045.



“Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - khát vọng chính đáng và khoa học
“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là cách nói mang tính khái quát cao đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để hiểu rõ nội hàm của cụm từ này, cần nắm được một số khái niệm sau:
Khát vọng là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”. (Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 493)
Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.
Phồn vinh là giàu có, thịnh vượng, cho thấy rõ là đang phát triển tốt đẹp.
Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.
Trong Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lại nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc của nhân dân”, nâng tầm khái niệm hạnh phúc lên vị thế cao nhất. Chủ trương này làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của sáu chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Sáu chữ này là khát vọng cháy bỏng cả dân tộc luôn hướng đến và cũng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần này lại nhấn mạnh “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”? – Đây là một điểm rất mới. Để trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta cần xem xét đánh giá trên 3 cơ sở:
Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng ta. Xã hội Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Trên nền tảng lý luận Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Cách mạng XHCN là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất, chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Nhưng, “nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”, để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu được giúp đỡ, các cháu bé thì được chăm sóc”.
Như vậy, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc đã được chỉ ra từ ngay trong mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn luôn hiện hữu trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước phát triển. Điều đó càng được chứng minh sâu sắc qua thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc và những thành tựu đạt được sau 35 năm Đổi mới xây dựng đất nước sau chiến tranh.
 
       Cơ đồ đất nước và khát vọng dân tộc trong lịch sử
Có thể thấy, xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn chứng tỏ là một dân tộc có tính cố kết cộng đồng rất cao, có sức sống kiên cường và có khát vọng vô cùng mạnh mẽ. Nội dung của khát vọng dân tộc được thể hiện ra và trao truyền từ thế hệ trước tới các thế hệ sau dưới những hình thức khác nhau và với những nội dung cụ thể khác nhau - do các điều kiện lịch sử cụ thể quy định, song, bao trùm là các nội dung: độc lập, tự do, văn hiến và hùng cường. Chính những phẩm chất cao đẹp và khát vọng đó đã hun đúc nên sức mạnh dân tộc, giúp dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, yếu cả về tiềm lực, kinh tế và quốc phòng chiến thắng được hết kẻ thù này đến kẻ thù khác.
Điều đó được chứng minh qua lịch sử trên 4000 năm dựng và giữ nước của dân tộc, với những trang sử hào hùng, những chiến công hiển hách như chiến thắng của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đỉnh cao là Trần Hưng Đạo ba lần đại thắng Nguyên – Mông. Trải qua hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, quãng thời gian đen tối nhất trong lịch sử dân tộc nhưng khát khao độc lập, tự do, hạnh phúc chưa bao giờ tắt trong mỗi người dân Việt Nam. Bước sang thế kỉ XX, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, trên cơ sở yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã luôn luôn coi trọng việc giáo dục tinh thần yêu nước, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại nên đã giành được thắng lợi vẻ vang như: Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại; thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, với đại thắng mùa xuân 1975 hào hùng và cả nước đang vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.
Như vậy, có thể thấy, khát vọng thường trực, cháy bỏng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do, văn hiến và cường thịnh. Đó chính là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống, là yếu tố quy tụ khối đoàn kết và hội tụ sức mạnh toàn dân tộc, tạo nên nền tảng văn hóa chính trị cho cơ đồ đất nước. Những chiến công ấy thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân ta trước quân thù, hun đúc, tô thắm thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Những kết quả thực tiễn sau 35 năm Đổi mới.
Qua tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm Đổi mới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, năm năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.




Những thành tựu mà nước ta gặt hái sau 35 năm đổi mới đã trở thành một bài học nêu gương cho nhiều quốc gia trên thế giới, đây cũng là cơ sở để khẳng định “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra là chính đáng và khoa học.



Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Giai đoạn đầu Đổi mới (1986 - 1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 -2020 đạt mức bình quân 6%. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của nước ta ước đạt khoảng 2779 USD, đứng thứ 120 trên thế giới, đứng thứ 6 ASEAN; quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt khoảng 271,2 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, đứng thứ 4 ASEAN. Việt nam lần đầu tiên lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực: thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo được nâng lên. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng vượt trội, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện đáng kể, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (2010) lên khoảng 65% (2020). Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (Chỉ số GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (2016) lên thứ 42 (2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ.
Một trong những thành tựu đã giúp củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng chính là: Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ (Trong nhiệm kì đại hội đảng XII có hơn 30 đại án được xét xử với hơn 87000 cán bộ đảng viên bị kỉ luật).




Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trở thành bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; đến nay đã 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hội nhập chính trị, an ninh, quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, với dấu ấn quan trọng là việc Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, nhất là thành công trong phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong khi nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm 4% thì Việt Nam vẫn giữ được mục tiêu kép là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, là một trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương với con số 2,91%. Việt Nam đã được truyền thông quốc tế ca ngợi là “mảnh đất tiềm năng” (Forbes), “bình minh đang lên” (báo Nga), ngôi sao sáng” (Asia Times), “phép màu châu Á” (New York Times), “con hổ châu Á” (Nikkei Asia)... 




Bên cạnh đó, khát vọng vươn lên của dân tộc được phản ánh cụ thể và vô cùng sinh động qua khát vọng chiến thắng của Đội bóng U23 Việt Nam trong năm 2018, 2019 trên đấu trường khu vực và châu lục. Một đội ngũ cầu thủ được đào tạo bài bản; được tổ chức chặt chẽ, hợp lý; được dẫn dắt bởi một đấu pháp khoa học và, đặc biệt với khát vọng Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch đã tạo nên kỳ tích trên sân cỏ của Đội U23, thổi bùng lên khát vọng vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc. Đây chính là thước đo và cũng là minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của khát vọng vươn lên của toàn dân tộc.
Có thể thấy, sau 35 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, sức mạnh tổng hợp quốc gia - dân tộc được nâng cao rõ rệt, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Từ một nước nghèo có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tiếng nói của Việt Nam không còn là tiếng nói nhỏ bé theo cách là xóa ẩn số nữa mà đã tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề mang tầm vóc thế giới. Như vậy chúng ta đã hội đủ thế và lực. Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như vậy. Cơ đồ của chúng ta chưa bao giờ nắm chắc trong tay như vậy. 




Xu thế của nhân loại
Hơn thế nữa, việc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân còn dựa trên sự tiếp thu những giá trị chung tốt đẹp của nhân loại về quyền con người. Thế giới rất coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá sự tiến bộ, ưu việt của các quốc gia. Do vậy, muốn đưa đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới thì mục tiêu xây dựng đất nước cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với xu thế của nhân loại.
Như vậy, “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” không phải là một huyễn tưởng xuất phát từ ngẫu hứng chủ quan, duy ý chí, mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới. Đây chính là nguồn lực, động lực và cơ sở để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc và khát vọng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Do đó, có thể khẳng định lại một lần: Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là viễn cảnh mị dân, “vẽ voi trên giấy” là “Những luận điệu quy chụp trắng trợn, sai sự thật”; bởi “Cơ đồ đất nước và khát vọng dân tộc trong lịch sử” và những con số sinh động của “Thành tựu 35 năm đổi mới” chính là cơ sở khoa học để chứng minh không thế lực nào có thể ngăn cản khát vọng vươn lên chính đáng của toàn dân tộc Việt Nam. Việc Đại hội XIII của Đảng đưa mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào Nghị quyết là một tất yếu khách quan, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.
Hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” – điểm nhấn của Đại hội XIII của Đảng
Khi nghiên cứu, tìm hiểu phân tích toàn bộ nội dung Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, chúng ta sẽ thấy nội dung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” có một vị trí và ý nghĩa quan trọng. Nội dung này được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Và mọi quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng… đều hướng tới mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển đất nước.
Lần đầu tiên, Đảng ta đặt ra vấn đề khơi gợi, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong mục tiêu tổng quát:
“Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Với tầm nhìn, mục tiêu hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là:
- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
 - Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
 - Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
* Đại hội XIII nêu rõ đây là nhiệm vụ thứ tư trong 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Hai là: Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…
Ba là: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại…
         Bốn là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Năm là: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh…
Sáu là: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.
*Gắn với 3 đột phá chiến lược:
Thứ nhất: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
       Thứ hai: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Thứ ba: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, trong  Đại hội XIII đã gắn khơi dậy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với việc đề cao tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, qua việc bổ sung thêm 2 vấn đề lớn: Dân giám sát và dân thụ hưởng để hoàn thiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nói như GS.TS Phùng Hữu Phú: “Đây là một bước tiến mới. Và điều này cũng nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của của nhân dân. Nếu chúng ta thực hiện đúng cái này thì sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước.”
Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý:“Thành công của Đại hội không phải chỉ thông qua Nghị quyết. Phải thể chế hoá, cụ thể hoá thành những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới để thực hiện Nghị quyết. Dân phải giàu, nước phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn. Thế mới gọi là thành công.”
Để hiện thực hóa “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đưa nghị quyết vào cuộc sống, phải có hành động quyết liệt “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”. Mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Chỉ thị số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết; phải đổi mới khâu học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Ðảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trước hết, các cấp ủy, đảng và chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện thành công ba đột phá chiến lược:
- Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững để kiến tạo niềm tin, khát vọng.
- Về nguồn lực, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt.
- Về hạ tầng, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đảng bộ trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh với việc thực hiện Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng góp phần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, viên chức và lao động trong toàn trường, Đảng bộ trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã xây dựng chương trình hành động số 141-CTr/ĐU ngày 07/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển xứng đáng là một cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.




Chương trình hành động của Đảng bộ nhà trường đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo quản lý: sắp xêp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại; số hóa trong quản trị nhà trường.
Hai là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ.
Đổi mới chương trình đào tạo góp phần đào tạo con người theo hướng vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; phát triển mạnh khoa học công nghệ, đẩy nhanh quá trình ứng dụng và chuyển đổi số.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Ba là, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo và phát triển nhà trường.
Bốn là, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong nhà trường.
Năm là, đảm bảo an sinh và không ngừng cải thiện đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, viên chức và lao động.
Sáu là, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn cơ quan.
Bảy là, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh



Ban Chấp hành Đảng ủy Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh ngày 31/08/2016 “Về việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020” trong toàn trường góp phần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Phát huy vai trò xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội; tăng cường tổ chức các hoạt động thiện nguyện xã hội.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên công đoàn. Kịp thời phát hiện những tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, khen thưởng.
Tám là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy vai trò nêu gương cuả cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan.
Nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Tổ chức tốt việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.




Cán bộ, đảng viên, giảng viên nhà trường cần tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái” cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”; “Thi đua dạy tốt, học tốt” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Mỗi cán bộ, đảng viên càng cần nêu cao tinh thần, sức chiến đấu, tiên phong gương mẫu trở thành những “chiến sỹ” tham gia “tác chiến trên không gian mạng”, trước hết, cần xây dựng bản lĩnh vững vàng, có nhận thức đúng đắn, có sự suy xét khi tiếp cận những thông tin nhạy cảm, ở những thời điểm diễn ra các sự kiện mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Loại bỏ những thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch ra khỏi không gian mạng bằng cách tạo môi trường trong sạch về thông tin. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động chia sẻ, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt việc tốt trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày... góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây làm chính”, “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Mỗi cán bộ đảng viên cần nghiêm túc, tiên phong đi đầu trong việc chấp hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.



Thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; là một trong những đại hội thành công nhất trên mọi phương diện cả về nội dung và tổ chức. Nhưng công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành những hành động thiết thực. “Trong thời gian tới các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cũng như các nội dung trọng tâm trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, đảng viên. Gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.” - như quán triệt của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bản thân tôi là một đảng viên, là một giảng viên, qua học tập nghiên cứu Nghị quyết XIII của Đảng, đặc biệt là nghiên cứu nội dung chuyên đề Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tôi nhận thấy cần phải quán triệt sâu sắc nghị quyết, vận dụng tốt nghị quyết gắn với chức năng nhiệm vụ mà mình đang thực hiện; tích cực tuyên truyền sâu rộng đến gia đình, nhân dân, phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh, sinh viên. Tiếp tục phát huy nhân tố con người trong giáo dục-đào tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.