Đang truy cập : 88
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 87
Hôm nay : 36815
Tháng hiện tại : 203100
Tổng lượt truy cập : 45844975
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói sẽ đào tạo khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai. Đây là những ngành nghề mà thị trường lao động hiện nay có thể chưa có.
Tại cuộc họp, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, đối tượng chịu tác động của giáo dục nghề nghiệp không chỉ là số học viên vào học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chính quy trong các nhà trường mà còn có một bộ phận rất lớn là những người đang làm việc trong thị trường lao động (được cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề mang tính chất thường xuyên).
Nói về định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, ông Dũng cho hay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng một chiến lược và dự kiến trong tháng này sẽ trình Thủ tướng phê duyệt ban hành. Trong đó, đặt mục tiêu quy mô giáo dục nghề nghiệp nâng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.
Có thể đào tạo 20 nghề mới chưa từng có
Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 1.908 trường và trung tâm đào tạo. Trong đó, có khoảng 900 trường cao đẳng và trung cấp, còn lại là hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Về quy mô đào tạo, hiện nay mỗi năm tuyển sinh mới 2,2 triệu người. Nhưng trong số 2,2 triệu tuyển sinh mới này chỉ có 1/4 là trình độ cao đẳng và trung cấp đào tạo chính quy trong các nhà trường. 3/4 còn lại là diện đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ sơ cấp,...
"Hiện nay, nhân lực của chúng ta qua đào tạo đạt 24,6% theo chiến lược. Muốn nâng tỷ lệ này lên thì quy mô hiện nay là quá nhỏ", ông Dũng nói và cho rằng một đất nước với quy mô 55 triệu lao động, 100 triệu dân mà mỗi năm chỉ đào tạo 2,2 triệu lao động (hiện là con số lớn nhất trong đào tạo) thì là con số quá nhỏ. Trong khi đó, Singapore tuyển sinh 60% vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Còn ở Úc, cứ 4 người dân thì có 1 người học nghề.
"Vì vậy, chúng tôi mong muốn quy mô này có thể nâng lên gấp đôi trong 5 năm tới và gấp 3 trong 10 năm tới", ông Dũng trăn trở.
Trong quy mô đó, ông Dũng cho hay cũng sẽ phải phân tầng chất lượng.
"Sẽ có một nhóm chất lượng cao, thậm chí một bộ phận trong nhóm chất lượng cao đó còn tiếp cận với các nước phát triển theo tinh thần mà chúng tôi xây dựng chiến lược là bắt kịp, đi cùng và thậm chí vượt lên trên các nước phát triển. Đó có thể là đào tạo những ngành nghề, kỹ năng tương lai để chuẩn bị cho phát triển kinh tế trong tương lai”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, sẽ đào tạo một bộ phận khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai. “Đây là những ngành nghề mà trong thị trường lao động hiện nay có thể chưa có”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thanh Hùng |
Để thực hiện được chiến lược với mục tiêu như vậy, theo ông Dũng, Tổng cục đang xây dựng quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
“Hiện nay, chúng ta với 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có người bảo quá nhiều. Nhưng nước Úc có 28 triệu dân thôi mà có đến 2.400 cơ sở đào tạo. Như vậy nhiều hay ít cũng tùy theo cách hiểu, song nước họ, phần lớn là cơ sở ngoài công lập, còn nước ta phần lớn là công lập”, ông Dũng nói và cho hay nhiệm vụ quy hoạch cần làm là giảm khối công lập, sát nhập những cơ sở kém hiệu quả và tăng khối ngoài công lập.
Tổng cục cũng đang xây dựng một loạt các chương trình, đề án để phục vụ cho chiến lược của quy hoạch này. Trong đó có đề án nâng tầm kỹ năng lao động.
Bên cạnh đào tạo lao động chất lượng cao, ông Dũng cho hay, cũng phải tập trung cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người nghèo,...
Ngoài ra, còn cần tính đến những giải pháp cho những vấn đề khác liên quan đến phát triển, đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, đảm bảo chất lượng đội ngũ các trường, hội nhập quốc tế,...
“Giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ là vấn đề giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp mà đằng sau đó là câu chuyện kinh tế. Bởi thực chất giá trị của giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng của người thợ đóng góp vào việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Thậm chí tổ chức OECD nói rằng đây là một đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động”, ông Dũng nói.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, điều mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới không chỉ là theo kịp các nước mà phải có một số lĩnh vực ngành nghề đi trước.
Theo ông Hùng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng đến giúp người lao động được tiếp thu, làm chủ, vận hành các khoa học tiến bộ, công nghệ 4.0 trong hoạt động nghề nghiệp của họ.
"Họ có thể làm đủ mọi nghề, nhưng nghề nào cũng sẽ liên quan đến công nghệ. Ý tưởng của chúng tôi là muốn trang bị những kiến thức về công nghệ, những năng lực giúp người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu trong bất cứ mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, chứ không chỉ tập trung vào mấy ngành nghề như Công nghệ thông tin, Tự động hóa,..."
Theo ông Hùng, thông qua mô hình này, có thể tăng cường hơn sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
"Chất lượng đào tạo nghề nghiệp không thể đảm bảo nếu không gắn kết được với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là nơi xuất phát, khởi điểm của mọi yêu cầu. Hiện nay, công nghệ cũng chính do doanh nghiệp dẫn dắt, bởi họ là nơi triển khai áp dụng các công nghệ. Do đó, chúng tôi hướng tới việc phải gắn kết, hòa cùng được với họ", ông Hùng nói.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đặt mục tiêu gắn kết chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp trong việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động. "Chúng tôi xác định đây không phải là vấn đề mình tự làm mà cần phải phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. Bởi thực tế giờ đây có những nghề nghiệp mà thậm chí hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn chưa đào tạo đến", ông Hùng chia sẻ.
Để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, theo ông Hùng, hệ thống đang tính tới khoảng 20 nghề mới, chưa hề xuất hiện trong danh mục nghề đào tạo mà xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra.
Nguồn tin: Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn